Trên hành trình 11 hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, PVCFC, Hose: DCM) không chỉ đồng hành cùng nông dân mà còn chung tay hiện thực hóa sứ mệnh, lời hứa vì nông nghiệp bền vững, thịnh vượng hơn. Điển hình cho nhiều chương trình, hoạt động với sứ mệnh cao cả ấy, Phân bón Cà Mau cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA); Công ty cổ phần Vinamit; Quỹ hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYe); đồng tổ chức Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp-Đổi mới sáng tạo” lần 8.
Hai tôn chỉ hoạt động xuyên suốt của Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp-Đổi mới sáng tạo” lần 8 là: Tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp phát triển sản phẩm từ tài nguyên bản địa, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, tự xây dựng và thực hành các tiêu chuẩn cần thiết và phù hợp để bảo đảm kinh doanh tốt, phát triển bền vững.
Sau thời gian dài chuẩn bị, tổ chức và trải qua nhiều vòng thi, hiều 16/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ban tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp-đổi mới sáng tạo” lần 8 tổ chức trao giải cho các dự án đạt giải cao sau 2 ngày diễn ra vòng thi chung kết, 15 và 16/10.
Ngôi vị quán quân thuộc về dự án “Các sản phẩm ống hút, bún gạo” của chị Trương Thị Hồng Hà (Thành phố Hồ Chí Minh). Dự án này nhận Cúp và giải thưởng trị giá 125 triệu đồng.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành thực phẩm và công nghệ sản xuất sẵn có từ gia đình, vợ chồng chị Trương Thị Hồng Hà nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm ống hút gạo mang thương hiệu OHUGA. Nguyên liệu sản xuất hoàn toàn từ tự nhiên, an toàn cho sức khoẻ con người, thân thiện với môi trường và tự phân hủy nhanh sau khi sử dụng.
Vợ chồng chị Hồng Hà còn nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng kết hợp với bí quyết gia truyền để tạo ra thêm nhiều sản phẩm khác như nui, bánh tráng, bún gạo sợi thẳng, phở khô sợi thẳng, phở ăn liền, que khuấy cà phê gạo… Sản phẩm được sản xuất từ hạt gạo ngon, không sử dụng chất bảo quản, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP và FDA của Mỹ.
Hai giải Nhì (trị giá 65 triệu đồng/giải) thuộc về các dự án “Sản xuất Dược Trà - Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” của Đoàn Thị Hồng Thắm (thành phố Cần Thơ) và “Vòng đời các sản phẩm từ cây sen” của nhóm Lương Việt Chương (tỉnh Phú Yên).
Ba giải Ba (trị giá 55 triệu đồng/giải) thuộc về “Nanosalt - Muối dược liệu Việt Nam” của Trần Thị Hồng Thắm (tỉnh Nghệ An); “Nâng cao giá trị nông sản Sơn La - Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa” của Bùi Phương Thanh (tỉnh Sơn La) và dự án “Phát triển làng nghề giấm truyền thống Bách Cốc cổ” của Vũ Minh Ngọc (tỉnh Nam Định).
Ba giải Khuyến khích được trao cho ba dự án (30 triệu đồng/giải) gồm: “Sổ gạo - Cánh đồng sẻ chia” của Bùi Ngọc Cường (thành phố Hải Phòng); “Cocohand nâng tầm giá trị hàng thủ công mỹ nghệ dừa Bến Tre” của Nguyễn Băng Nhi (tỉnh Bến Tre); “Sản xuất các sản phẩm từ quả mác mật” đến từ tỉnh Lạng Sơn của Dương Hữu Điện.
Ban tổ chức cũng trao 1 giải dự án nông nghiệp phát triển bền vững; 1 giải thưởng sáng tạo (có ý nghĩa cộng đồng); 3 dự án được trao suất tư vấn xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại do Công ty Mỹ thuật Trà Quế trao tặng; 9 dự án được chọn hỗ trợ tham gia khóa học tại Thái Lan vào tháng 11/2022 (ban tổ chức hỗ trợ 50% chi phí mỗi dự án).