Đại diện doanh nghiệp cho biết, 6 tháng qua giá cổ phiếu DCM của công ty đã tăng trên 50%; hoạt động tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm mới khác cũng được đẩy mạnh. Với việc xuất khẩu trên 30.000 tấn ure sang các thị trường tiềm năng, lợi nhuận của công ty tăng cao so với kế hoạch. Ngoài ra, một số dự án đang đầu tư cũng đã đi vào quỹ đạo, tiến độ được kiểm soát.
Xét về nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động sản suẩt kinh doanh, theo PVCFC có những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, do ảnh hưởng của Covid-19, giá dầu giảm sâu nên giá khí cũng giảm, bình quân bằng khoảng 80% giá kế hoạch, dẫn đến chi phí vốn trong kỳ thấp.
Thứ hai, Covid-19 cũng khiến giá lúa gạo, nông sản, thực phẩm tăng, tạo động lực cho nông dân một số vùng không bị ảnh hưởng hạn mặn quay trở lại canh tác lúa gạo, lượng tiêu thụ urê vẫn duy trì không kém hơn những năm trước.
Thứ ba, nhờ nguồn cung cấp khí ổn định, nhà máy Đạm Cà Mau duy trì sản xuất ở công suất 110%, ổn định, an toàn. Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản trị doanh nghiệp, tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng...
Thứ tư, PVCFC áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như: hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP), hệ thống quản lý kênh phân phối (DMS), xây dựng kho dữ liệu khách hàng...
Nhờ những yếu tố trên, lợi nhuận 6 tháng của Đạm Cà Mau xấp xỉ 330 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch cả năm phê duyệt là 54 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đặt mục tiêu trong năm 2020 sẽ ứng dụng công nghệ vào 80% các hoạt động từ việc đào tạo online cho đến giao nhận, quản lý hệ thống phân phối, quản lý hệ thống bán hàng.
Đối với dự án NPK đang trong giai đoạn chạy thử, doanh nghiệp này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 này. Công ty đã triển khai các hoạt động chuẩn bị cho công tác phân phối sản phẩm như phát triển thị trường, hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết về NPK Cà Mau tại các thị trường mục tiêu.
PVCFC cho biết, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp là đem đến những giải pháp dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp và cho bà con nông dân. Vì vậy, đơn vị này đã luôn hướng đến việc nâng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm; tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới, không chỉ với cây trồng mà còn ứng phó được với điều kiện hạn mặn...
Trong đợt hạn mặn vừa qua, PVCFC đã trang bị hơn 300 bồn chứa nước đạt chuẩn cỡ lớn 500 lít cho bà con nông dân ở 6 tỉnh/thành nhằm chia sẻ khó khăn với bà con trong nhu cầu tưới tiêu, định hướng tái canh tác giai đoạn tiếp theo.
Hiện tại, Đạm Cà Mau cũng đang phối hợp với trường ĐH Cần Thơ tổ chức một loạt hội thảo nghiên cứu giải pháp ứng phó với điều kiện hạn mặn ở ĐBSCL và các vùng duyên hải.
Nguồn vnexpress.net