Thấu hiểu vai trò của người sử dụng trong việc quyết định sự thành bại của dự án ERP (Enterprise Resource Planning), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã phối hợp với nhà thầu FPT tổ chức khóa đào tạo, vận hành hệ thống SAP ERP với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả quản lý toàn diện của doanh nghiệp.
Ngày 14/9/2015 vừa qua, trong buổi gặp mặt và chia sẻ về dự án ERP đối với người dùng và kinh nghiệm khi tham dự đào tạo, vận hành hệ thống SAP ERP của nhà thầu FPT, ông Bùi Minh Tiến – TGĐ PVCFC, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án ERP phát biểu: “Dự án ERP đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đào tạo các Key-users, End-users và kiểm thử, với mục tiêu đào tạo các kỹ năng vận hành, sử dụng thuần thục các thao tác trên hệ thống. Vì vậy, chúng ta cần phải thông tin cho mọi thành viên trong toàn công ty biết để họ hiểu rõ hơn về công việc mà ban chỉ đạo ERP của công ty đang làm. Với mong muốn mọi thành viên trong công ty đều đồng sức, đồng lòng qua đó tạo nên một đội ngũ liên kết vững chắc, thấu hiểu và chia sẻ cho các thành viên trong quá trình triển khai, để đạt đúng tiến độ và đạt được mục tiêu của dự án”.
Lãnh đạo PVCFC họp chỉ đạo trước khóa đào tạo
Thấu hiểu được sự tận tâm của lãnh đạo cùng vai trò của người sử dụng trong việc quyết định sự thành bại của dự án ERP, những học viên tham gia khóa đào tạo đã hoàn thành khóa học một cách xuất sắc với tỷ lệ vượt qua kỳ sát hạch đến 99% trong đợt đào tạo, đánh giá học viên diễn ra từ ngày 15/09/2015 đến 19/10/2015 do ban ERP kết hợp với nhà thầu FPT tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua.
Phóng viên PetroTimes (PV) đã có buổi trò chuyện cùng với ông Võ Chánh Ngữ, trưởng ban ERP - PVCFC (TB ERP) để tìm hiểu thêm về nội dung, yêu cầu, ý nghĩa của khóa đào tạo này.
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về tình hình triển khai dự án ERP trong thời gian qua?
TB ERP: Về cơ bản, dự án ERP của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau chúng tôi được thực hiện qua 05 giai đoạn chính, bao gồm:
Giai đoạn 1: Khảo sát hiện trạng. Giai đoạn 2: Xây dựng quy trình tương lai (Blueprint). Giai đoạn 3: Cấu hình hệ thống, đào tạo người dùng và kiểm thử hệ thống. Giai đoạn 4: Chuyển đổi số liệu. Giai đoạn 5: Golive (vận hành chính thức).
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã lần lượt triển khai các bước khảo sát hiện trạng, xây dựng quy trình tương lai (Blueprint) và một phần của bước thứ ba là cấu hình hệ thống, đào tạo người dùng để hướng đến kiểm thử hệ thống trong thời gian đến. Theo cá nhân tôi, các bước trên PVCFC đã thực hiện tốt nhờ sự chỉ đạo nhiệt tâm của Ban giám đốc, sự nỗ lực làm việc hết mình của ban ERP và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các học viên dưới sự hỗ trợ của nhà thầu FPT. Nhưng để nói thành công hay không thì chưa thể khẳng định được vì sự thành bại của dự án này phải được kiểm chứng trên thực tế hiệu quả của nó mang lại mới biết được. Và giai đoạn đào tạo người dùng (bao gồm Key Users, End Users) là bước ngoặt quan trọng trong việc hiện thực hóa việc ứng dụng phần mềm hiện đại này trong thực tế tại PVCFC.
Khóa đào tạo Key Users tại PVCFC
PV: Thực hiện theo đúng kế hoạch, khóa đào tạo Key Users được diễn ra từ 21/09/2015 đến 15/10/2015 đã kết thúc, ông đánh giá thế nào về khóa đào tạo này?
TB ERP: Nội dung của khóa đào tạo này tập trung vào năm phân hệ chính thuộc dự án ERP, bao gồm: tài chính kế toán, sản xuất, mua hàng, bán hàng và quản lý kho.
Thời gian được đào tạo từ 21/09/2015 đến 15/10/2015, với số lượng khoảng 100 học viên từ các Ban/phòng/xưởng và được chia ra đến 10 lớp học (do số lượng tham gia khá lớn nên để đảm bảo chất lượng cho mỗi lớp học mỗi lớp chỉ gồm 8-10 học viên).
Yêu cầu đối với các đối tượng được chọn đào tạo Key Users là khá cao. Đây là lực lượng nòng cốt vì họ không chỉ được đào tạo để đào tạo lại cho các End Users, đào tạo cho các nhân viên mới mà còn là những người tham gia chính thực hiện việc kiểm thử hệ thống, và các bước tiếp theo của cả dự án. Vì vậy họ phải được lựa chọn kỹ và đáp ứng nhiều tiêu chí như: có kiến thức nền tảng về CNTT, nắm bắt tốt quy trình thực tại của bộ phận mình tại PVCFC, phải có kỹ năng, khả năng nắm bắt được “cái mới” và vận dụng đúng.
Chúng tôi đào tạo chủ yếu về kỹ năng, thao tác thực hiện chứ không đào tạo quy trình thực hiện công việc, nên những đối tượng không nắm vững quy trình không tham gia được. Đồng thời, các học viên phải chủ động tìm hiểu các tài liệu mà Ban tổ chức gửi trước và một phần quan trọng không thể thiếu là sự tham gia đầy đủ các nội dung, số lượng các buổi học để nắm bắt trọn vẹn nội dung, yêu cầu của khóa học; đó cũng là nền tảng để các học viên có đủ sự tự tin thực hiện bài sát hạch đúng chuẩn mà nhà thầu FPT đưa ra đánh giá, phù hợp với thực tế của PVCFC.
Kết quả 99% số học viên vượt qua đợt kiểm tra của khóa học lần này (theo tiêu chí của nhà thầu FPT - PV) đã phản ánh được thực tế điều đó. Đó là cả một nỗ lực lớn thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể PVCFC từ lãnh đạo, đến nhân viên cho đến những thành viên thuộc đơn vị tư vấn với mong muốn thực hiện thành công dự án này. Cũng như cảnh báo việc thiếu chuẩn bị, hoặc thiếu chuyên tâm vào khóa đào tạo sẽ dẫn đến kết quả không tốt cho một số học viên mà cụ thể là không thể vượt qua kỳ sát hạch.
PV: Ông kỳ vọng gì ở những người được đào tạo trong khóa học vừa qua, và mong muốn của ông thế nào đối với CBCNV trong quá trình thực hiện các bước còn lại của dự án ERP trong thời gian sắp tới?
TB ERP: Đối với những CBNV được được tham gia khóa đào tạo vừa qua, tôi kỳ vọng họ có thể khám phá, khai thác triệt để những ứng dụng mà ERP mang lại để chung tay góp phần xây dựng tập thể PVCFC ngày càng chuyên nghiệp, lớn mạnh và vươn xa. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ tôi luôn khuyến khích các CBNV thực hành, thực hành nhiều, và thực hành nhiều hơn nữa; tự mình đưa ra các tình huống giả định phù hợp với thực tế của PVCFC để tự rèn luyện, nâng cao kỹ năng, thao tác và kiểm chứng những hiệu quả mà ERP mang lại dựa trên nền tảng các kiến thức mà các bạn được đào tạo và đừng quên chia sẻ điều mình trải nghiệm được cho các đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ.
Mỗi Ban/xưởng/bộ phận nên thực hiện các chương trình tự đào tạo trong nội bộ, kèm cặp lẫn nhau theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” và tăng cường trao đổi để trau dồi kiến thức và kỹ năng của mình để mỗi một CBCNV của Đạm Cà Mau đều có thể làm chủ được những công nghệ hiện đại trong đó có ERP. Việc làm chủ được các công nghệ tiên tiến, hiện đại cũng chính là nền tảng để xây dựng một PVCFC ngày càng phát triển và bền vững trong tương lai.
PV: Xin chân thành cám ơn những chia sẻ tâm huyết của ông, chúc ông sức khỏe và dự án ERP của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau thành công.
ERP là phần mềm trên máy tính tự động hoá các tác nghiệp của đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả quản lý toàn diện của doanh nghiệp. Nói cách khác, ERP là phần mềm phục vụ tin học hóa tổng thể doanh nghiệp.
Khái niệm ERP theo chuẩn quốc tế giới hạn trong phạm vi hoạch định nguồn lực, các nguồn lực bao gồm nhân lực (con người), vật lực (tài sản, thiết bị...) và tài lực (tài chính). Khối lượng công việc trong hoạch định và sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp chiếm phần lớn trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp nên ERP là hệ thống phần mềm rất lớn. Rất nhiều các giải pháp ERP chỉ thực hiện các chức năng theo đúng phạm vi này.
Ngọc Trung - Nguyên Phương (Theo petrotimes.vn)