Hiện tại, công tác BDTT năm 2018 của Nhà máy Đạm Cà Mau đã thành công tốt đẹp. Công suất được nâng từ 106% trước bảo dưỡng lên 108-110%. Đây là lần BDTT lớn nhất từ khi nhà máy đi vào hoạt động cho đến nay, quy mô cũng như độ phức tạp rất lớn, tới 2.208 hạng mục. Thêm vào đó, thời gian dừng máy để BDTT lần này lại ngắn nhất từ trước đến nay, khoảng 14 ngày...


Ông Đặng Quang Hùng, Trưởng ban QLBD Nhà máy Đạm Cà Mau

Ông Hùng chia sẻ: Đợt bảo dưỡng năm nay may mắn được hai yếu tố là “thiên thời, nhân hòa”.

Lần BDTT trước, giai đoạn cao điểm rơi đúng vào đợt mưa rả rích đêm ngày. Nhưng đợt BDTT năm 2018 diễn ra trong thời tiết khá thuận lợi, mưa ít và không kéo dài.

Còn về “nhân hòa”, đợt BDTT lần này đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo PVN, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và lãnh đạo nhà máy; đặc biệt là sự phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn của Ban Chỉ đạo công tác bảo dưỡng. Quan trọng hơn hết là sự làm việc có tâm, trách nhiệm và hết mình của từng CBCNV tham gia bảo dưỡng. Mọi người làm việc miệt mài 24/24 giờ, chia thành 2 ca; ai nấy đều cố gắng hoàn thành thật tốt công việc của mình. Đây chính là tinh thần làm việc theo 7 thói quen hiệu quả - một nét văn hóa đặc sắc của người lao động PVCFC, cụ thể ở đây là thói quen thứ 7: Tư duy cùng thắng (Win - Win).

Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ và ăn ý đó cũng đã thể hiện đúng tinh thần của đợt BDTT này với hình ảnh “bánh răng cam kết”. Thay vì ký bảng cam kết thi đua BDTT như mọi năm, năm nay PVCFC đã có sáng kiến sử dụng hình ảnh bánh răng, mỗi nhà thầu thay vì ký cam kết sẽ gắn một bánh răng vào trong một bánh răng lớn tổng thể. Bánh răng vừa tượng trưng cho máy móc nhà máy, vừa tượng trưng cho sự đồng lòng, quyết tâm của CBCNV Đạm Cà Mau và các nhà thầu trong đợt BDTT này.

Riêng “địa lợi” thì hầu như không có, trái lại đây còn là vấn đề khó khăn đối với nhà máy trong các đợt BDTT. Bởi vì vị trí nhà máy cách quá xa TP HCM - trung tâm của kỹ thuật công nghệ - nên nhiều lúc nhà máy gặp thách thức lớn khi một thiết bị nào đó cần gia công, sửa chữa nhưng ở Cà Mau hoặc các vùng lân cận không giải quyết được. Như trong đợt BDTT vừa rồi, khi mở một máy nén ra thì mới phát hiện thiết bị bên trong bị ăn mòn hết, trong khi đó nhà máy không thể xử lý được, thế là phải đưa thiết bị lên TP HCM làm, đồng thời phối hợp với cán bộ kỹ sư từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ xuống để xử lý, lắp đặt.


Ban Tổng giám đốc giám sát các hạng mục BDTT

Có thiết bị mà thời gian tối đa phải hoàn thành gia công là 3 ngày, nhưng thực tế thì phải mất đến 6 ngày. Để kịp tiến độ, anh em đã có sáng kiến tách đôi ra để làm, một nửa được làm ở TP HCM, nửa kia được đưa xuống doanh nghiệp có năng lực ở Vũng Tàu thực hiện; sau đó ráp lại và đưa về nhà máy lắp đặt. Còn có trường hợp phải thuê máy móc thiết bị về nhà máy để gia công, nhằm bảo đảm an toàn.

“Trong những tình huống khó khăn phát sinh, mọi người luôn cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để “tự cứu mình”, kịp tiến độ thay vì cứ ngồi than khó hoặc chờ chuyên gia nước ngoài sang” - ông Hùng nói.

Đội ngũ CBCNV Nhà máy Đạm Cà Mau rất chủ động trong suốt quá trình BDTT. Ngay khi nguồn khí PM3 ngừng cấp khí đề bảo dưỡng giàn thì nhà máy dừng máy và bắt tay vào bảo dưỡng, sửa chữa ngay lập tức. Mỗi năm, nhà máy có khoảng 12-14 ngày quyết định cho hiệu suất hoạt động cả năm đó, là đợt BDTT, nên công tác chuẩn bị đã được chủ động thực hiện từ khi kết thúc đợt bảo dưỡng năm trước.

Các công việc như lập kế hoạch bảo dưỡng, mua sắm vật tư, thuê các dịch vụ phụ trợ… được nhà máy chuẩn bị từ rất sớm. Trước BDTT 1 tháng, nhà máy tổ chức hội thảo về bảo dưỡng. Toàn bộ đội ngũ kỹ thuật tham gia bảo dưỡng được kiểm tra lại tay nghề, kỹ năng. Do đã chuẩn bị cẩn thận, cộng thêm tính chủ động nên mọi phát sinh trong kỳ BDTT vừa qua đều đã được xử lý hiệu quả.

Như mọi năm, nhà máy đặt ra 4 tiêu chí cơ bản trong đợt BDTT: An toàn, chất lượng, tin cậy và tiết kiệm. Để đạt được 4 tiêu chí đó, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo nhà máy áp dụng như: Trong thời gian bảo dưỡng, đội ngũ ATVSV kiểm tra, giám sát an toàn rất gắt gao. Có hệ thống kiểm soát chất lượng trước khi đưa vào lắp đặt thiết bị. Năm nay, để tiết kiệm, nhà máy áp dụng chế độ kiểm soát chi phí, phát sinh rất chặt chẽ, bài bản. Thêm vào đó là CBCNV nhà máy tận dụng tối đa năng lực của mình, giảm thiểu việc thuê nhân lực bên ngoài.


Công nhân, kỹ sư Đạm Cà Mau phối hợp nhịp nhàng trong công tác bảo dưỡng

Thông thường, mỗi đợt BDTT cũng chính là thời điểm mà phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại nhà máy sôi nổi nhất, mọi người tham gia đóng góp tích cực nhất. Theo ông Hùng đánh giá, số lượng và chất lượng sáng kiến năm nay rất cao, góp phần quan trọng để đợt BDTT hoàn thành theo đúng các tiêu chí đã đề ra. Rất nhiều sáng kiến đã ra đời từ những đòi hỏi thực tế công việc trong quá trình bảo dưỡng, tiêu biểu như gia công lắp đặt siêu chíp, máy nén...

Năm nay, việc quản lý người ra vào công trường làm việc được thực hiện bằng thẻ từ. Đây cũng chính là một sáng kiến tiêu biểu, giúp việc kiểm soát nhà thầu ra vào chặt chẽ hơn, nhanh chóng hơn, từ đó giúp tiết kiệm quỹ thời gian quý báu để làm việc thay vì mỗi lần ra vào công trường của hàng nghìn người phải mất hàng giờ đồng hồ như trước đây.

Ông Đặng Quang Hùng cho biết, đây là đợt BDTT chuẩn bị cho một năm có tính chất bản lề của Nhà máy Đạm Cà Mau, bởi từ năm 2019, nhà máy không còn được hỗ trợ về giá khí nguyên liệu đầu vào của PVN nữa mà sẽ theo giá thị trường. Và, khi giá khí tăng cao, lợi nhuận có thể sụt giảm mạnh, đây được dự báo sẽ là “cú sốc” cho doanh nghiệp. Chính vì thế, đợt BDTT năm 2018 để bảo đảm cho nhà máy hoạt động thật sự hiệu quả và an toàn để giảm thiểu tối đa những mối lo trong khâu vận hành sản xuất trong vòng 1 năm tới.

Cho đến giờ này, đợt BDTT năm 2018 đã hoàn thành như mong đợi, đó là một tín hiệu đáng mừng của PVCFC, Đạm Cà Mau trong giai đoạn có nhiều thách thức sắp tới.

Số lượng và chất lượng sáng kiến năm nay rất cao, góp phần quan trọng để đợt BDTT hoàn thành theo đúng các tiêu chí đã đề ra. Rất nhiều sáng kiến đã ra đời từ những đòi hỏi thực tế công việc trong quá trình bảo dưỡng, tiêu biểu như gia công lắp đặt siêu chíp, máy nén...

Lê Trúc (Petrotimes)