Sáng ngày 29/11 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết vụ hè thu, vụ mùa 2016, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân 2016-2017 tại các tỉnh miền Bắc và phổ biến đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh
Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh; ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt; ông Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; cùng sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành miền Bắc, các cục, viện nghiên cứu, các cơ quan báo đài truyền thông. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (thương hiệu Đạm Cà Mau)
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các địa phương cần đẩy mạnh sang gieo thẳng. Mỗi địa phương tập trung sản xuất từ 3-4 giống lúa chủ lực để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng lúa hàng hóa; đồng thời, khuyến cáo mở rộng diện tích lúa lai, ưu tiên các giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân tới, tiết “Đại hàn” sẽ vào 20/1/2017, “Lập Xuân” vào 3/2/2017. Do đó, tùy vào thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế ở địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi, tránh rét “nàng bân” khi trỗ, tránh lũ tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc gieo cấy lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Đông 2017.
Về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân tới, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, cơ bản các hồ chứa đang đầy nước nên sẽ thuận lợi, đáp ứng đủ nước cho gieo cấy. Tổng cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương để cấp đủ nước cho đổ ải, tưới dưỡng.
Tuy nhiên, các địa phương cũng cần sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tranh thủ lấy nước tối đa qua các đợt triều cường. Bên cạnh đó, bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất.
Dự báo về tình hình dịch hại trong vụ Đông Xuân 2016-2017, ông Bùi Sĩ Doanh, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, do năm 2016 không có lũ lớn nên nhiều khả năng vụ tới chuột tiếp tục phát sinh gây hại nặng. Cần chú ý bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng có khả năng phát sinh sớm, mật độ, diện tích nhiễm có xu hướng cao hơn vụ Đông Xuân năm trước. Khả năng về mức độ nhiễm và diện tích nhiễm sâu đục thâm cao hơn, cùng với đó là sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn ở các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.
Cũng tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã phổ biến đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện 9 giải pháp để hạt gạo Việt có giá trị cao hơn, “bay” xa hơn trên thị trường thế giới.
Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sau gần 2 năm nghiên cứu, khảo sát với sự đóng góp của nhiều tỉnh, thành, đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký quyết định phê duyệt. Đề án đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 như đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% tại các vùng chuyên canh của ĐBSCL, giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống còn bình quân 80kg/ha; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; diện tích lúa có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chiếm từ 20% trở lên.