Về đích trước thời gian
Chúng tôi trở lại Nhà máy đạm Cà Mau vào những ngày đầu năm mới 2014. Trong khuôn viên nhà máy, những thảm cỏ xanh, vườn cây cảnh đâm chồi nảy lộc, nở hoa giữa đất trời U Minh hạ tràn đầy sắc xuân. Dáng vóc bề thế, hiện đại; bên cạnh đội ngũ thợ lành nghề ở khắp mọi miền đất nước cùng gắn bó, làm việc tại đây, Nhà máy đạm Cà Mau càng trở nên gần gủi, sôi động và ấn tượng hơn. Làm chủ công nghệ hiện đại, vận hành tuyệt đối an toàn, phát huy công suất tối ưu; kết thúc năm 2013, Nhà máy đạm Cà Mau đã sản xuất trên 780 nghìn tấn phân đạm chất lượng cao, đạt 104% kế hoạch. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) Bùi Minh Tiến, sẻ chia: vui mừng trước sự kiện này, lãnh đạo công ty cũng như toàn thể CBCNV đang làm nhiệm vụ vận hành sản xuất tại Nhà máy đạm Cà Mau; năm 2013, PVCFC đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, về đích trước 15 ngày. Đây là năm thứ hai liên tiếp PVCFC vui mừng đón nhận sự kiện này; chứng minh thành quả lao động tâm quyết, kiên trì của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và CNCNV đang làm việc tại Nhà máy đạm Cà Mau; đồng thời đây cũng là động lực cho sự phát triển chung của PVCFC với mục tiêu cung cấp nguồn phân đạm chất lượng cao, giá cả ổn định cho vựa lúa ĐBSCL. Kể từ khi Nhà máy đạm Cà Mau đưa vào vận hành sản xuất đến nay, công ty đã cung ứng cho thị trường phục vụ nhu cầu mùa vụ của bà con nông dân gần 1,2 triệu tấn đạm; tổng doanh thu năm 2013 ước đạt 6.444 tỷ đồng.
Kỹ sư tự động hóa Nhà máy Đạm Cà Mau kiểm tra các thiết bị thí nghiệm
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ủy, lãnh đạo PVCFC rất quan tâm, coi trọng việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo đội ngũ những người thợ lành nghề, phù hợp với Nhà máy đạm hiện đại, có công nghệ phức tạp… là một trong các giải pháp trọng tâm; là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập hiện nay; khẳng định thương hiệu, chất lượng và uy tín "Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng" trên thị trường cả nước. Để đạt được kết quả to lớn này, Ban lãnh đạo công ty luôn coi trọng yếu tố con người chính là nguồn nội lực làm tiền đề cho sự phát triển. Do đó, công ty đã từng bước xây dựng đội ngũ CBCNV các phòng, ban tuy tinh gọn nhưng có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp và tâm quyết, đam mê trong công việc. Với một nguồn lực trẻ và có trình độ chuyên môn đủ sức làm chủ trong quản lý, vận hành tuyệt đối an toàn, bảo dưỡng, bảo trì đúng định kỳ nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động tối ưu của nhà máy… Hiện nay PVCFC có gần 800 cán bộ, kỹ sư, công nhân tay nghề cao; cơ cấu tổ chức tinh gọn, ngày càng hoàn thiện; chuyên môn hóa cao, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của công ty theo từng giai đoạn. Với đội ngũ nhân sự tinh gọn, ngoài việc đảm bảo vận hành nhà máy liên tục, ổn định 100% công suất thiết kế, mỗi ngày cung cấp ra thị trường trên 2.300 tấn đạm; PVCFC còn chủ động đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức thực hiện đề tài, sáng kiến kỹ thuật nhằm tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các loại cây trồng.
Ngay từ khi nhận bàn giao chạy thử, đội ngũ cán bán bộ, kỹ sư, công nhân làm công tác vận hành tại đây đã không ngừng học hỏi tìm tòi cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa các quy trình và vươn lên làm chủ công nghệ, chủ động trong mọi tình huống, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chặt chẽ của Công ty và tiêu chuẩn quốc tế về an toàn trong vận hành nhà máy đạm. Chính những nỗ lực đó đã giúp cho quá trình sản xuất của nhà máy dần đi vào ổn định và làm chủ công nghệ tiên tiến nhất hiện nay với thiết bị được nhập khẩu từ các nước EU/G7, khả năng tự động hóa cao… Gần đây, Nhà máy đạm Cà Mau đã cử 6 chuyên gia tham gia hỗ trợ Nhà máy đạm Ninh Bình trong giai đoạn chạy thử, bàn giao. Đặc biệt vào tháng 7- 2013, PVCFC đã đưa 4 chuyên gia đầu tiên của Nhà máy đạm Cà Mau sang hỗ trợ vận hành công nghệ tạo hạt tại Venezuela với nhà bản quyền Toyo Engineering Coporation (Nhật Bản); đồng thời xem xét, cung cấp thêm 2 kỹ sư sang hỗ trợ vận hành chạy thử xưởng Urea theo đề xuất của Tokyo.
Thời gian qua, Hội đồng khoa học công ty đã công nhận và đưa vào thực tiễn sản xuất hàng chục đề tài và sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Những sáng kiến, sáng chế này đã được các kỹ sư trẻ trực tiếp vận hành, bảo dưỡng nghiên cứu, đề xuất nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục các lỗi về máy móc thiết bị, tối ưu hóa các thông số công nghệ trong giai đoạn vận hành, chạy thử… Ngay từ đầu trong quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị chạy thử, hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng kiến, sáng chế luôn được quan tâm; trước hết là tổ chức đào tạo tập trung về quản lý, điều hành sản xuất, tăng cường kỹ năng vận hành, bảo dưỡng từ thực tiễn sản xuất tại nhà máy. Những chuyên gia, những kỹ sư trẻ có trách nhiệm với công việc đã rút ngắn thời gian chạy thử, thời gian dừng máy hạn chế tối đa so với các nhà máy đạm khác. Sản phẩm ra đời ngay lập tức đáp ứng các thông số kỹ thuật, chất lượng sản phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đến với bà con nông dân.
Về lâu dài, PVCFC chú trọng công tác nghiên cứu phát triển, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực: đào tạo nội bộ gồm những chuyên gia kỹ sư giỏi “cầm tay chỉ việc” cho chuyên gia, kỹ sư, anh em còn mới hơn và đào tạo từ bên ngoài thông qua các chuyên gia nước ngoài; các dịch vụ đào tạo của các nhà bản quyền, nhà cung cấp thiết bị ở nước ngoài… Với bước đi, cách làm bài bản, Đạm Cà Mau phấn đấu thực hiện thành công chiến lược cung cấp dịch vụ đào tạo, hỗ trợ vận hành, đặc biệt là nâng cao trình độ quản lý, vận hành ngang tầm quốc tế; phấn đấu xây dựng PVCFC trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phân bón.
Anh Quân (Báo Nhân Dân)