Đẩy mạnh phong trào sáng kiến - hợp lý hóa sản xuất, từng bước xây dựng nguồn nhân lực chuyên sâu khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những giải pháp trọng tâm của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), với mục đích góp phần mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, các phong trào này đã thực sự phát triển mạnh mẽ tại PVCFC và được xem là yếu tố then chốt, lâu dài, tạo bước phát triển đột phá về KHCN.
Ông Bùi Minh Tiến – Tổng giám đốc PVCFC trao giải cho "Cá nhân có nhiều ý tưởng nhất"
Vừa qua, sau hơn 15 ngày tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể định kỳ hàng năm (13/8/2015 – 28/8/2015), nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức vận hành trở lại và đến ngày 30/8 đã đạt 100% công suất thiết kế. Dự tính từ nay đến cuối năm, PVCFC sẽ cung ứng trên 250 ngàn tấn Đạm Cà Mau cho vụ Đông Xuân tới, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân bón của cả nước.
Bên cạnh những quyết tâm, nỗ lực từ Ban lãnh đạo PVCFC, Ban lãnh đạo nhà máy cùng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên PVCFC; thành công đạt được trong công tác bảo dưỡng, vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau từ khi đi vào hoạt động đến nay còn có một phần không nhỏ đóng góp từ những đề tài, sáng kiến, cải tiến, hợp lý hoá sản xuất của anh em cán bộ, kỹ sư nhà máy. Nhà máy Đạm Cà Mau luôn được đánh giá là nơi có phong trào sáng kiến phát triển mạnh nhất, có tính ứng dụng cao của PVCFC. Ngoài những sáng kiến làm lợi nhiều tỷ đồng còn có những sáng kiến không tính được bằng tiền nhưng đã góp phần cải tiến môi trường làm việc, làm gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn.
Trong suốt quá trình vận hành, bảo dưỡng nhà máy, những cá nhân, tập thể có ý tưởng, có sáng kiến, có kết quả nghiên cứu dù nhỏ đều được ghi nhận, đánh giá và khen thưởng xứng đáng. Đây là tiền đề để trở thành một phong trào mạnh mẽ khiến cán bộ, kỹ sư Nhà máy luôn không ngừng học tập, phát huy tính sáng tạo, đưa những nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn. Qua phong trào này, người lao động PVCFC đã phát huy quyền làm chủ tập thể, tích cực tìm tòi, sáng tạo và đề xuất những sáng kiến, hợp lý hóa đưa vào áp dụng trong hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh. Trong đó, rất nhiều sáng kiến cải tiến từ đội ngũ nhân lực trẻ, lành nghề của PVCFC. Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, PVCFC đã xét công nhận 91 sáng kiến - hợp lý hóa sản xuất, có giá trị làm lợi ước khoảng trên 50 tỉ đồng. Nhưng, lớn lao hơn ý nghĩa của con số ấn tượng nàychính là tinh thần sáng tạo lan tỏa đến từng cán bộ công nhân viên, là sức sống của một phong trào sôi nổi đã góp phần quan trọng trong việc vun đắp, nuôi dưỡng sự thành công của PVCFC.
Sáng tạo là không giới hạn
Để tạo nên không khí thi đua, khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa trong phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo và cải tiến công tác quản lý, kinh doanh, kỹ thuật công nghệ của công ty, từ đầu năm 2015, Ban lãnh đạo PVCFC đã phát động cuộc thi sáng tạo “Eureka”. Cuộc thi được xem là cột mốc đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình lan tỏa tinh thần “Sáng tạo là không giới hạn” đến toàn thể các cán bộ công nhân viên trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty như quản lý, kinh doanh, kỹ thuật công nghệ, an toàn PCCC và môi trường...
Ngay trong giai đoạn đầu, Ban tổ chức (BTC) đã tập trung triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông về cuộc thi dưới nhiều hình thức phong phú, từ những công cụ mang tính trực quan đến các chương trình kích hoạt trực tiếp như hội thảo chuyên đề sáng tạo, hội thảo giới thiệu các ý tưởng khả thi,… tất cả từng bước trở thành sự cộng hưởng tích cực, gia tăng tính thu hút của cuộc thi đến từng CBCNV không kể vị trí, chức vụ. Sau hơn 3 tháng triển khai với quy trình thẩm định và đánh giá chặt chẽ, BTC Eureka đã tiếp nhận được 679 ý tưởng ở nhiều lĩnh vực đa dạng như: Điện điều khiển; Cơ khí; An toàn môi trường; Công nghệ; Quản lý và Nghiên cứu phát triển… Trong đó có 239 ý tưởng được ưu tiên đề xuất triển khai, đầu tư và phát triển thành các sáng kiến, sáng chế có giá trị thực tiễn, mang lại những lợi ích về kinh tế, kỹ thuật, an toàn và môi trường, phục vụ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Trong rất nhiều những gương sáng kiến tiêu biểu tại PVCFC, không thể không kể đến Kỹ sư Công nghệ hữu cơ – Hóa dầu Nguyễn Văn Sơn- Quản đốc Xưởng Phụ trợ- Nhà máy Đạm Cà Mau. “Cây sáng kiến” đó là biệt danh thân mật mà đồng nghiệp và bạn bè thường yêu mến dành tặng chàng kỹ sư quê gốc Bình Định, sinh năm 1978 này. Trong khoảng thời gian 4 năm công tác từ khi còn là Kỹ sư phòng Kỹ thuật công nghệ – trưởng nhóm Phụ trợ - Ban quản lý Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau đến nay, anh Nguyễn Văn Sơn đã cho ra đời trên 20 sáng kiến thiết thực với giá trị làm lợi nhiều tỷ đồng. Và một trong những giải pháp gây tiếng vang lớn của anh là sáng kiến “Cải tiến Nồi hơi phụ trợ nhà máy Đạm Cà Mau”.
Lúc bấy giờ Nồi hơi phụ trợ nhà máy Đạm Cà Mau đang vận hành trong điều kiện quá nhiệt cao nhưng sản phẩm hơi sinh ra không đạt yêu cầu do nhiệt và dòng công nghệ phân bố trong bộ quá nhiệt thứ hai (SH2) không đều. Một bên dòng công nghệ qua quá ít dẫn đến chịu lượng nhiệt quá lớn, làm hỏng một ống tube của SH2. Một bên dòng công nghệ quá nhiều, lượng nhiệt quá thấp đã dẫn đến nhiệt độ hơi sinh ra cấp lên mạng hơi quá thấp không đủ nhiệt lượng, có khả năng ngưng tụ thành nước ngưng trên hệ thống mạng hơi, do đó thường xuyên xung kích mạng hơi, năng lượng sinh công thấp, làm ảnh hưởng xấu đến các tua bin hơi và xúc tác nhà máy.
Cùng với nhóm của mình gồm kỹ sư Đào Văn Ngọc, Lê Thị Tú Yên, Nguyễn Văn Chệt, Mạnh Kiều Oanh, anh Sơn đã mày mò suốt mấy ngày đêm tìm hiểu và phân tích nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục.
Dựa trên cơ sở hiện tại của Nồi hơi có sẵn SH2, nhóm của anh đã đề xuất giải pháp lắp thêm một đoạn ống nhằm dẫn hướng cho hơi bão hòa đi vào từ hai đầu của thiết bị này. Ngoài ra, lắp thêm một đoạn ống tại đầu ra của SH2 nhằm dẫn hướng cho hơi quá nhiệt ra khỏi thiết bị từ hai đầu của tuyến outlet header of HSH của Nồi hơi để dòng công nghệ luôn cân bằng.
Từ kết quả đạt được, sáng kiến “Cải tiến Lò hơi phụ trợ Nhà máy Đạm Cà mau” đem lại lợi ích kinh tế tính được 79 tỷ 55 triệu đồng/ năm được ghi nhận sáng kiến cấp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Áp dụng sáng kiến, sáng chế tại công ty
Từng bước xây dựng nguồn nhân lực
Định hướng phát triển KHCN của PVCFC được xây dựng với mục tiêu tổng quát là: Phát triển PVCFC trở thành doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hàng đầu trong nước; là một trong những nhà sản xuất, phân phối lớn của Việt Nam và lớn nhất trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực hoá chất chuyên dụng cho ngành dầu khí và hoá chất nông nghiệp.
Nhằm góp phần đạt được mục tiêu trên và cũng để thực hiện tốt Nghị quyết TW6 khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển KHCN, trong chiến lược phát triển KHCN của mình, Ban lãnh đạo PVCFC xác định cần phải thực hiện một số nhóm giải pháp cơ bản, trong đó, xây dựng nhân lực KHCN có chuyên môn cao chính là một trong những giải pháp trọng tâm. Đó là việc duy trì và đẩy mạnh đào tạo nhân lực KHCN, có chính sách để giữ và thu hút nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực hoạt động của PVCFC, xây dựng và áp dụng quy chế, chức danh chuyên gia cho những nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật sâu.
Đó còn là việc tăng cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về KHCN với các viện, trường và đơn vị nghiên cứu khác trong và ngoài nước về các lĩnh vực phù hợp, nhằm áp dụng kịp thời các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích CBCNV tham gia vào phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến và các hoạt động KHCN; duy trì và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, áp dụng sáng kiến - hợp lý hóa sản xuất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của PVCFC; kiện toàn Hội đồng KHCN với chức năng tư vấn cho Ban lãnh đạo Công ty về các lĩnh vực KHCN, xem xét, đề xuất phê duyệt và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu KHCN, các sáng kiến - hợp lý hóa; hàng năm liên tục tổ chức hàng chục khóa khóa đào tạo KHCN cho cán bộ, công nhân viên…
Với giải pháp trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực KHCN có chất lượng cao cộng với những giải pháp tăng cường ứng dụng KHCN trong vận hành, bảo dưỡng, quản trị, có thể tin tưởng rằng, PVCFC sẽ sớm hiện thực hóa những định hướng phát triển KHCN theo mục đích, lộ trình đã đề ra. Từ đó tiến tới sẵn sàng trở thành những “cán bộ hạt nhân” trong việc tư vấn, hỗ trợ vận hành các nhà máy sản xuất có công nghệ phức tạp, tiên tiến khác trong nước và trên thế giới, mở lối tiên phong cho công cuộc “xuất khẩu chuyên gia” Việt Nam sang thị trường quốc tế.
Nguyên Phương (theo baocongthuong.com.vn)