Tôi là một trong số ít nhà báo đến Cà Mau từ ngày đầu xây dựng và đã chứng kiến những gian nan, vất vả của hàng ngàn người thợ đã làm nên 3 công trình kỳ vĩ nằm trong Cụm khí - điện - đạm nơi đất rừng phương Nam… Một thập kỷ qua, những con người sống và làm việc tại đây đã thổi một luồng sinh khí, cung cách làm ăn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo đất rừng phương Nam hoang sơ, biến nó thành nguồn “vàng trắng” quý giá cho đất nước…
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thăm nhà máy đạm Cà Mau
Đạm Cà Mau được đánh giá là rất thành công của Tập đoàn Dầu khí VN tại cực Nam tổ quốc. Người ta thường ví điện là “vàng trắng”, còn tôi lại coi những hạt đạm Cà Mau là “vàng trắng” bởi nó đã đem về những mùa vàng bội thu cho hàng triệu nông dân Nam bộ và các nước láng giềng, xóa đi cuộc sống tối tăm ngàn đời đeo đuổi họ….
Thật may mắn đến Đạm Cà Mau đúng ngày Công ty tri ân những người nông dân làm ăn giỏi, ngồi trên xe ca cùng họ tham quan nhà máy, tôi được nghe những câu chuyện thú vị từ những người nông dân này. Bác Ba Thu (tỉnh Tiền Giang) tâm sự: “Cả đời tôi gắn với nghề trồng lúa, chỉ mong mưa thuận gió hòa và không mua phải phân bón giả. Từ ngày dùng đạm Cà Mau, năng suất lúa cao hơn hẳn và hôm nay tận mắt nhìn thấy hạt đạm to đục chạy ra từ cỗ máy, thấy yên tâm”. Hồ Văn Em, nông dân đến từ Cần Thơ trầm trồ: “Không ngờ nhà máy đạm lại sạch đẹp và hiện đại thế này”. Anh nói thêm: “Có lần xem tivi nói đến Thương hiệu quốc gia Đạm Cà Mau, tôi tò mò mua dùng thử. Không ngờ, dùng thử rồi dùng miết”. Tôi hỏi lại họ: Đạm Cà Mau khác các loại phân bón khác thế nào? Bác Ba Thu quả quyết: Đạm Cà Mau có nhiều điểm vượt trội hơn hẳn so với các sản phẩm khác bởi hạt đục, to sẽ đọng lại lâu hơn ở gốc cây nên khi bón cho cây lúa sẽ có độ phân giải chậm, điều này không chỉ giúp cho cây trồng hấp thu hết dinh dưỡng, cứng cây mà còn không đổ ngã. Hơn nữa, các đại lý còn khuyến cáo xài vừa đủ thôi vì hạt đạm này phân giải từ từ nên cây sẽ ăn hết, từ đó tiết kiệm từ 8-10% lượng phân so với các loại phân đạm khác…
Đạm Cà Mau đến với bà con nông dân
Một kỹ sư nông nghiệp đi cùng cho biết: hàm lượng Biuret nhỏ hơn 0,99 % khối lượng. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp giảm bạc màu, chai đất. Ngoài ra, sản phẩm có độ cứng chắc cao, khả năng hút ẩm thấp nên hạn chế hiện tượng tan chảy khi tiếp xúc với không khí và do đó hạn chế thất thoát và kết tảng….Những thông số kỹ thuật thú vị trên cũng chính là “bí quyết” làm nên những “mùa vàng” cho người nông dân. Họ bảo: “Đạm Cà Mau xứng đáng là thương hiệu quốc gia”. Mới đây, Đạm Cà Mau còn tổ chức chương trình Hạt Ngọc Mùa Vàng - Gởi ngàn tri ân cảm ơn bà con nông dân, trong đó anh Phạm Văn Sự, người nông dân đã may mắn trúng giải đặc biệt của chương trình là chiếc máy cày. Cái nghĩa, cái tình của doanh nghiệp lớn, của Đạm Cà Mau là như thế….
Nghe những người nông dân chia sẻ và nắm bàn tay chai sần của họ, tôi thực sự mừng cho Đạm Cà Mau và thầm biết ơn những người đã hai sương một nắng làm ra hạt lúa, củ khoai. Tuy nhiên, để có thành quả như ngày nay, để lấy được lòng nông dân không phải dễ. Giám đốc nhà máy Đào Văn Ngọc, người đã gắn bó với Đạm Cà Mau từ ngày đầu đưa chúng tôi vào thăm phòng điều khiển trung tâm hay còn gọi là “trái tim” nhà máy.Chỉ lên hệ thống điều khiển trung tâm với những chấm vàng, đỏ, xanh, ông Ngọc cho biết: Nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC xây dựng dự án này, song tư vấn, bản quyền thiết kế, các thiết bị chính và hệ thống tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ theo yêu cầu của hợp đồng và tương tự như Đạm Phú Mỹ (nhà máy đạm đầu tiên của TĐ Dầu khí VN). Vì vậy, sau quyết toán, nhà máy đã tiết kiệm được 200 triệu đô la so với dự toán được duyệt ban đầu (900 triệu đô la). Sau hơn5 năm hoạt động, nhà máy luôn chạy an toàn, ổn định, vượt công suất thiết kế và đã cho ra thị trường hơn 4 triệu tấn phân đạm chất lượng cao. Điều đáng nói nữa là, nhà máy đã ghi tên vào danh sách số ít các nhà máy Đạm chạy ổn định liên tục trên 300 ngày, công suất luôn duy trì 110% và không có trục trặc gì. Đây là kỷ lục được nhà bản quyền Haldor Topsoe đánh giá cao và cấp chứng chỉ công nhận…
Dừng lại lâu hơn ở khu cảng xuất sản phẩm nằm bên dòng sông Cái Tàu, ông Ngọc khoe: Hệ thống cảng xuất sản phẩm được đầu tư xây dựng đồng bộ với nhà máy với công suất cao, linh động, xuất được trong mọi điều kiện thời tiết. Trong khi công suất của các NM đạm khác chỉ đạt 2.500 tấn/ngày thì tại đây có thể đạt công suất tối đa 5.000 tấn/ngày….Điều này đã đáp ứng kịp thời trong các thời điểm mùa vụ. Phương thức vận chuyển chủ yếu bằng xà lan với hệ thống sông, kênh mương thuận tiện đi các vùng góp phần làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển và giá thành cho nông dân…
Tác giả trên công trường xây dựng NM Đạm Cà Mau
Đứng trên cầu cảng, tôi bâng khuâng phóng tầm mắt ra xa, những bao phân đạm nối đuôi nhau theo băng tải xuống sà lan hoặc được tay máy xếp ngay ngắn, thẳng hàng trên xe tải tỏa đi khắp các làng quê. Chao ôi, hơn 6 năm qua, sức trẻ Đạm Cà Mau đã làm nên bao điều kỳ diệu, làm thay da đổi thịt không chỉ mảnh đất Cà Mau, mà còn làm xanh tươi những cánh đồng, những mùa vàng trĩu hạt….
TGĐ Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau Bùi Minh Tiến, người luôn nhiệt huyết và đam mê với công việc nói về nguyên nhân thành công của Đạm Cà Mau. Đó là do PVCFC đã tận dụng triệt để lợi thế về mạng lưới vận tải bằng đường thủy để giảm chi phí nhằm cung cấp sản phẩm đến tay nông dân miền Tây với giá tốt hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau không chỉ đào tạo được một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề đầy nhiệt huyết, có trình độ quản lý, vận hành, bảo dưỡng nhà máy bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn không phải thuê chuyên gia nước ngoài mà còn xuất khẩu 6 chuyên gia vận hành cho nhà máy tương tự ở nước ngoài. Họ chính là vốn quý nhất, là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của nhà máy.
Cho đến nay, PVCFC là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sản xuất loại phân đạm hạt đục, hạt to nên khi bón cho cây và lúa độ phân giải chậm. Điều này không chỉ giúp cho cây trồng hấp thu hết dinh dưỡng, ra nhiều hoa trái và cỡ hạt đồng đều mà còn tiết kiệm lượng phân đáng kể so với các loại phân đạm khác.Trong chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, mục tiêu của PVCFC là giữ vững thị trường Tây Nam bộ, phát triển thị phần tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên, cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường sản xuất các sản phẩm mới N46.Plus, Sau Đạm Cà Mau, N.Humate+TE, tin rằng N46.Plus sẽ là một trong những cột mốc đáng tự hào của Công ty trong chặng đường 6 năm không ngừng nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ, nhằm góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Sau hơn 2 năm niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, cổ phiếu DCM liên tiếp được vinh danh trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với kết quả kinh doanh và năng lực tài chính tốt, đặc biệt liên tục có lợi nhuận sau thuế cao trong 5 năm đi vào vận hành thương mại…
Là dự án trọng điểm quốc gia, NM Đạm Cà Mau là dự án tâm huyết của Tập đoàn Dầu khí VN nhằm phát huy nội lực trong nước, đáp ứng nhu cầu phân đạm phục vụ ngành nông nghiệp, giải quyết triệt để tình trạng thiếu phân bón trên thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Nếu biết rằng, phân bón giả trên thị trường hiện nay gây thiệt hại 1,2 tỷ đô la một năm mới thấy hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của những công trình, những dự án như thế này….
Tạm biệt Cà Mau và những con người lao động sáng tạo và quả cảm ở nơi tận cùng đất nước vào sáng bình minh, khi từng đàn chim bay vào rừng U Minh kiếm ăn. Tự nhiên, nước mắt tôi cứ trào ra và bồi hồi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: Đất nước tôi như một con tàu; Con tàu rẽ sóng mũi Cà Mau…
Đúng là con tàu Đạm Cà Mau đang rẽ sóng lao về phía trước, mang nguồn “vàng trắng” vô tận đến với mọi nhà nông, mọi miền đất nước, hứa hẹn những mùa vàng đủ đầy, no ấm…
Phóng sự của Trần Thị Sánh