(VEN) - Tháng 6/2013 này, Công ty TNHH MTV phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ chính thức cung cấp 4 chuyên gia đầu tiên sang hỗ trợ vận hành công nghệ tạo hạt tại Venezuela.
Đạm Cà Mau khẳng định mình trong từng bước đi vững chắc
4 chuyên gia cùng Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng (đứng giữa) trong buổi gặp gỡ trước khi lên đường.
Trước khi các chuyên gia trẻ lên đường sang làm việc tại Venezuela, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đã có buổi nói chuyện thân mật nhằm động viên tinh thần anh em, đồng thời trao trọng trách rất lớn và cũng rất ý nghĩa cho đội ngũ này. Tổng giám đốc căn dặn: Khi làm việc trong môi trường mới, các anh em cần nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, kể cả chuyên môn và giao tiếp; cần có tinh thần làm việc kỷ luật và trách nhiệm cao; trang bị những kỹ năng chuyên môn thật vững vàng thông qua những cuốn sổ tay ghi chép kiến thức là hành trang song hành để khẳng định bản lĩnh của các bạn. Ngoài ra, trước khi đi, các bạn cần hiểu biết về văn hóa bản địa để dễ dàng hội nhập. Tất cả những công cụ ấy sẽ hữu ích cho các bạn trong thời gian tới. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí cũng như công ty sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các bạn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Ngay từ khi thành lập, PVCFC đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển công ty, trong đó chiến lược đào tạo, cung cấp chuyên gia hỗ trợ vận hành, sản xuất là một định hướng quan trọng. Để thực hiện chiến lược này, song song với công tác vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau đảm bảo an toàn, ổn định, đạt công suất tối ưu, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư vận hành nhà máy đã không ngừng nghiên cứu sáng tạo áp dụng vào thực tiễn sản xuất, rèn luyện, học tập từng bước nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc và sẵn sàng trở thành những chuyên gia tư vấn, hỗ trợ vận hành các nhà máy sản xuất có công nghệ phức tạp, tiên tiến trong nước và trên thế giới. Đến nay, PVCFC đã bước đầu hiện thực hóa được chiến lược này cũng như giấc mơ, khát vọng xuất khẩu chuyên gia ra thế giới.
Có được thành quả trên là cả quá trình nỗ lực không ngừng của các chuyên gia, kỹ sư vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau. Ban đầu, đội ngũ vận hành của nhà máy là lực lượng trẻ với công nghệ tạo hạt là công nghệ mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành, phân tích và đánh giá rủi ro, phán đoán và xử lý sự cố, đặc biệt là kinh nghiệm vận hành hệ thống tạo hạt. Bằng nhiều phương pháp và quyết tâm phải làm chủ được công nghệ, công tác đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng cho đội ngũ vận hành, đặc biệt là các nhân viên vận hành hiện trường được đặt lên hàng đầu thông qua chương trình đào tạo nội bộ của các xưởng.
Các học viên kỹ sư, công nhân sau khi được tiếp nhận về làm việc tại nhà máy đều được kiểm tra, đánh giá lại kết quả của quá trình đào tạo ở Trường cao đẳng Nghề Dầu khí. Kết quả của đợt kiểm tra này giúp lãnh đạo nhà máy phân loại để bố trí công việc đối với mỗi cá nhân, và cũng là căn cứ ban đầu cho việc lập kế hoạch đào tạo sau này của khối vận hành sản xuất.
Trên cơ sở kế hoạch đào tạo chi tiết, bài bản, các xưởng tổ chức phân công nhân sự phù hợp để giảng dạy, biên soạn giáo trình bám sát chương trình đào tạo, phổ biến nội dung đào tạo đến người đứng lớp để đảm bảo chất lượng của từng buổi giảng dạy. Bên cạnh đó là các buổi hội thảo xử lý tình huống thực tế và đào tạo các kỹ năng thao tác vận hành cho từng cá nhân ngoài hiện trường trong suốt quá trình thực hiện công việc. Hình thức đào tạo từ thực tế, nghề dạy nghề đã góp phần không nhỏ nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ vận hành, cũng như tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm làm việc, tăng khả năng phản xạ, xử lý nhanh nhạy, bình tĩnh với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra mà không phải dễ dàng học được qua sách vở.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó, đội ngũ kỹ sư, chuyên gia vận hành hầu như dành hết thời gian, tâm trí cho công việc. Từ sáng đến tối, chỉ trừ lúc ăn ca, còn lại các anh đều dành thời gian tìm hiểu, tỉ mỉ ghi chép, cập nhật các thông số kỹ thuật. Và kết quả chỉ trong 1 năm, đội ngũ trẻ ấy đã nắm bắt và làm chủ hoàn toàn công nghệ. Sự chủ động trong việc nắm bắt công nghệ đã góp phần đưa Đạm Cà Mau trở thành nhà máy đầu tiên trong tập đoàn tự chủ trong quá trình vận hành và không thuê chuyên gia vận hành sau khi bàn giao nhà máy.
Được sự tin tưởng của các công ty, nhà máy cùng ngành, nhà máy đã cử 5 chuyên gia tham gia hỗ trợ Nhà máy đạm Ninh Bình trong giai đoạn nhận bàn giao nhà máy từ ngày 15/9/2012 đến 15/3/2013. Hiện tại còn 1 chuyên gia điều khiển vẫn đang tiếp tục làm việc tại Ninh Bình. Với việc ký kết hợp đồng cung cấp chuyên gia sang hỗ trợ vận hành công nghệ tạo hạt tại Venezuela với nhà bản quyền TOYO Nhật Bản, PVCFC đã trở thành đơn vị đầu tiên trong khâu sau của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xuất khẩu chuyên gia.
Với những bước đi bài bản, vững chắc và lộ trình rõ ràng, Đạm Cà Mau phấn đấu thực hiện thành công chiến lược cung cấp dịch vụ đào tạo, hỗ trợ vận hành, đặc biệt là nâng cao được trình độ quản lý, vận hành ngang tầm quốc tế./.
Lan Anh