Vượt qua những khó khăn và thách thức, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) ghi nhận kết quả sản xuất và kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 vượt chỉ tiêu được giao, trong đó đặc biệt là chỉ tiêu sản lượng kinh doanh nhờ kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”.
PVCFC thực kiện kế hoạch 6 tháng đầu năm trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức. Đầu tiên, giá phân bón vẫn trong xu hướng giảm (bình quân giảm 30% - 40% so với 2022) và hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, trong khi đó, chi phí nguyên liệu khí thì tăng cao hơn so với kế hoạch do giá dầu FO duy trì ở mức cao, làm cho giá thành sản xuất không cạnh tranh với đa số các nguồn hàng từ các khu vực có sản xuất urê đi từ khí thiên nhiên.
06 tháng đầu năm 2023, giá phân bón vẫn trong xu hướng giảm (bình quân giảm 30% - 40% so với 2022) và hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp
Hơn nữa tình hình lạm phát của kinh tế thế giới và chính sách thắt chặt tiền tệ của FED đã đẩy giá nguyên liệu đầu vào từ nguồn hoá thạch tăng lên cao, tác động rất lớn đến chi phí giá thành và làm giảm hiệu quả SXKD của đơn vị sản xuất phân bón trong nước nói chung và PVCFC nói riêng.
Bên cạnh đó là các vấn đề về cạnh tranh với phân bón nhập ngoại ngày càng gay gắt; tình trạng dư cung phân bón nói chung và phân bón NPK nói riêng; nông sản đầu ra của nông nghiệp không mấy triển vọng ... cũng tác động không nhỏ đến hoạt động SXKD của Phân bón Cà Mau trong 6 tháng đầu năm 2023.
Với nỗ lực bằng cách triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, PVCFC đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ, nộp ngân sách
Ngoài ra, chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu theo Quyết định số 529 của Tổng giám đốc Tập đoàn giao phấn đấu là những chỉ tiêu thách thức nhất từ trước tới nay của PVCFC, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đầu vào - đầu ra của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước trong 6 tháng đầu năm gặp muôn vàn khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo PVCFC đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai các mũi chiến lược trọng yếu, kế hoạch SXKD đến từng CBCNV để thấu hiểu, đoàn kết và cùng chung mục tiêu, phấn đấu đạt được kế hoạch được giao. Với nỗ lực bằng cách triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, PVCFC đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ, nộp ngân sách so với Nghị quyết HĐTV giao (NQ501) và quyết định giao kế hoạch của Tổng giám đốc Tập đoàn (QĐ 529).
Đại diện Ban lãnh đạo PVCFC tại hội nghị sơ kết kinh doanh 06 tháng đầu năm 2023
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu thấp vụ tại hầu hết các khu vực, giá phân bón liên tục điều chỉnh giảm, PVCFC vẫn kiên trì mục tiêu: tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm của Phân bón Cà Mau, giữ vững thị phần tại thị trường mục tiêu và xâm nhập những thị trường mới. Với mục tiêu kép đó, PVCFC đã liên tục cân đối và điều chỉnh chính sách bán hàng linh hoạt, triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến bán hàng mang thương hiệu Phân bón Cà Mau: “Mùa vàng thắng lớn”; các chương trình flash sale; tặng phân bón dùng thử; tặng ấn vật phẩm… Ngoài ra, PVCFC đã chủ động, nhạy bén tìm kiếm được thị trường ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
Chương trình xúc tiến bán hàng mang tên “Mùa vàng thắng lớn” của PVCFC lan toả mạnh, mang lại nhiều hiệu quả trong kinh doanh
Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng urê tiêu thụ ước đạt 460 nghìn tấn, vượt kế hoạch được giao (trong đó xuất khẩu ước đạt 160 nghìn tấn đi các nước Campuchia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Chilê,...). Tuy nhiên, do giá bán bình quân giảm 14% so với kế hoạch trong khi giá khí tăng 8,8% so với kế hoạch dẫn đến chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của PVCFC đạt thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác vận hành sản xuất Nhà máy Đạm Cà Mau được đảm bảo hiệu quả, an toàn, ổn định với công suất urê bình quân từ đầu năm đến nay khoảng 113%-114% so với thiết kế. Bên cạnh đó, sản xuất urê chức năng đáp ứng kế hoạch kinh doanh, và phân xưởng NPK vận hành theo đơn đặt hàng, bám sát nhu cầu của thị trường. PVCFC cũng đang ráo tiết chuẩn bị cho công tác BDTT Nhà máy trong tháng 8/2023 với tổng hạng mục dự kiến thực hiện là 2.395 hạng mục.
Công suất urê bình quân từ đầu năm đến nay của Nhà máy Đạm Cà Mau đạt khoảng 113%-114% so với thiết kế
Về các công tác khác như: 20 đề án tối ưu hóa để tiết giảm tiêu hao, tối ưu năng suất thiết bị, máy móc, nâng công suất; nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nguyên, nhiên liệu cho sản xuất urê, NPK; nghiên cứu sản phẩm mới; hoàn thiện hệ thống quản trị; xâu dựng cơ sở dữ liệu Datawarehouse; công tác xây dựng Văn hoá doanh nghiệp; Chuyển đổi số... tiếp tục được PVCFC quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
Dự báo trong 6 tháng cuối năm, những khó khăn tương tự như giai đoạn 6 tháng đầu năm sẽ tiếp tục là thách thức đối với việc hoàn thành kế hoạch năm 2023 của PVCFC, đặc biệt là các chỉ tiêu tài chính (doanh thu, lợi nhuận). Mặc dù vậy, toàn thể CBCNV PVCFC quyết tâm cố gắng đưa ra nhiều giải pháp trong quản trị, giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu nỗ lực hết sức mình để đạt được kết quả tốt nhất có thể.
Song song đó, PVCFC cũng kiến nghị lên Quốc hội về việc sớm thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật 71/2014/QH13, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 0% để tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp.
Phân Bón Cà Mau