Tôi gặp Nguyễn Văn Tú vào tháng 7-2020, khi anh dẫn đoàn thợ giỏi của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đi nhận giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc”. Ấn tượng đầu tiên của tôi với Tú là một thanh niên năng nổ, nhiệt tình và gần gũi. Hiện anh là Tổ trưởng tại Xưởng điều khiển Nhà máy Đạm Cà Mau.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tú
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Vũng Tàu, chuyên ngành Điện - Điện tử, Nguyễn Văn Tú trau dồi thêm kiến thức về tự động hóa rồi về đầu quân cho Nhà máy Đạm Cà Mau từ năm 2012 đến nay.
Gần 9 năm gắn bó với nhà máy, trải qua nhiều công việc khác nhau, ở vị trí nào người kỹ sư trẻ cũng làm việc bằng cả trái tim, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ một kỹ sư thực tập, bằng sự phấn đầu không mệt mỏi, giờ đây Nguyễn Văn Tú đảm nhận vai trò Tổ trưởng tại Xưởng điều khiển, phụ trách sửa chữa bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động của nhà máy, bảo dưỡng các hệ thống điều khiển (PLC) khu vực đóng bao, Robot, Shiploader, cân Jumbo...
Nhà máy Đạm Cà Mau được đánh giá có hệ thống máy móc tân tiến bậc nhất, dây chuyền sản xuất được vận hành bởi những kỹ sư có chuyên môn cao, những người thợ lành nghề, quan trọng hơn nữa, nhà máy được quản lý bởi những lãnh đạo có “tâm” và “tầm”. Làm việc trong môi trường như thế, vừa là cơ hội để người kỹ sư trẻ như Tú được cọ sát, nâng cao kiến thức thực tiễn, vừa là thách thức buộc anh phải luôn luôn trong thế vươn lên.
Sáng kiến, ý tưởng là một trong nhiều phong trào thi đua diễn ra sôi nổi tại Nhà máy Đạm Cà Mau. Khi người lao động có ý tưởng, lãnh đạo nhà máy sẽ xem xét và đánh giá tính khả thi để áp dụng vào thực tiễn. Do đó, đội ngũ người lao động của Nhà máy Đạm Cà Mau rất “thiện chiến”, không ngừng sáng tạo, giúp nhà máy tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Ngoài việc hưởng ứng phong trào phát huy ý tưởng, sáng kiến do nhà máy phát động, chính những vấn đề trục trặc, phát sinh trong công việc hằng ngày đã thúc đẩy kỹ sư Tú phải tự bồi dưỡng nghiệp vụ, tự tìm tòi để khắc phục.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tú tham gia hoạt động thể thao của công ty
Trong nhiều sáng kiến mà Nguyễn Văn Tú tham gia có thể kể đến sáng kiến “Thiết kế giao diện vận hành và điều khiển của hệ thống máy nghiền M07601A/B”. Đây là hệ thống do Vendor nước ngoài lắp đặt trọn gói nên nhà thầu không bàn giao các chương trình điều khiển, gây khó khăn cho công tác vận hành, xử lý sự cố, cũng như khi thay thế các thiết bị điều khiển. Tú cùng các đồng nghiệp đã chủ động tìm các tài liệu liên quan đến hệ thống này để tham khảo và tự thiết kế lại giao diện vận hành cho thân thiện hơn, dễ sử dụng hơn. Bản thiết kế mới đã làm chủ được hệ thống cũng như chủ động thay thế các thiết bị có nguy cơ gây ra sự cố, ngăn được sự cố ngoài ý muốn xảy ra. Do đó, hệ thống tạo hạt urea không bị giảm tải, nhà máy không bị giảm sản lượng sản xuất. Sáng kiến này được áp dụng từ năm 2019 đến nay và được đánh giá mang lại giá trị làm lợi 2,13 tỉ đồng/năm.
Nguyễn Văn Tú nhớ lại một kỷ niệm với Nhà máy Đạm Cà Mau. Vào giữa tháng 7-2015, khoảng nửa đêm thì có điện báo nhà máy bị dừng đột xuất. Ý thức cho biết đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, đội ngũ kỹ sư được phân công nhiệm vụ, chia ra các nhóm cụ thể để tìm nguyên nhân, loại trừ các tình huống. Nhà máy cũng tính đến phương án nhờ sự hỗ trợ từ các đơn vị bên ngoài để xử lý sự cố. Với quyết tâm không đầu hàng trước thử thách, mặc dù mọi người đã rất mệt mỏi khi trải qua một đêm thức trắng, làm việc với cường độ cao, nhưng với tư duy nhạy bén, Tú và các đồng nghiệp đã tìm ra được nguyên nhân gốc rễ gây ra sự cố lỗi các thiết bị hệ thống điều khiển. Tú chia sẻ: “Sự cố được khắc phục hoàn toàn vào lúc 15 giờ ngày hôm sau, sau gần 17 tiếng đồng hồ. Xử lý xong sự cố thì tôi và tất cả anh em ngủ ngay trên sàn của phòng điều khiển trung tâm”.
Nguyễn Văn Tú cùng đồng nghiệp thực hiện BDSC hệ thống điều khiển tại Nhà máy Đạm Cà Mau
Nguyễn Văn Tú cho biết, anh lạc quan hơn và hoàn thiện bản thân hơn khi làm công tác đoàn thể. Nhờ những hoạt động Đoàn, anh có thêm những người bạn mới, nhìn nhận cuộc sống xung quanh mình với nhiều cảm nhận chân thực hơn. Để hoàn thành nhiệm vụ của cả hai vai trò, tổ trưởng và cán bộ Đoàn, anh xác định rằng, trước tiên phải nghiêm túc với bản thân, đề ra mục tiêu cụ thể, cam kết với chính mình và chủ động thực hiện công việc, không tự gây áp lực, tự tạo thói quen tốt, dùng hành động làm gương cho đoàn viên, hoàn thành tốt vai trò của mình.
Kỹ sư Tú chia sẻ: Nhà máy Đạm Cà Mau có rất nhiều tấm gương tiêu biểu. Anh chỉ là một người kỹ sư tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc chứ chưa phải là một kỹ sư xuất sắc. Mọi người trong nhà máy luôn có thái độ tích cực trong cuộc sống, lấy hiệu quả trong công việc làm thước đo, xem nhà máy là nhà, coi đồng nghiệp là người thân. Tinh thần đoàn kết, thái độ sống tích cực và khiêm tốn ấy đã trở thành văn hóa PVCFC. Tuy mỗi người làm ở mỗi bộ phận khác nhau, nhưng những con người ấy đều chung một con thuyền, chung niềm say mê công việc, chung tình yêu với nhà máy và luôn làm việc với phương châm: Tiên phong - Trách nhiệm - Ân cần - Hài hòa.
Sáng kiến “Thiết kế giao diện vận hành và điều khiển của hệ thống máy nghiền M07601A/B” mà Kỹ sư Tú tham gia được áp dụng từ năm 2019 đến nay mang lại giá trị làm lợi 2,13 tỉ đồng/năm cho Nhà máy Đạm Cà Mau.
Thu Phượng