Đầu tháng 9 vừa qua, tại Trung Tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội đã diễn ra chương trình Diễn đàn phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong xây dựng Nông thôn mới với chủ đề “Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Đây là sự kiện nhằm mục đích rà soát, đánh giá, nhận diện và khắc phục các vấn đề cốt lõi, dẫn tới tình trạng ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển kém hiệu quả và bền vững. Tham gia diễn đàn có sự góp mặt của nhiều cơ quan, đoàn thể, chuyên gia kinh tế trong cả nước. Đặc biệt diễn đàn năm nay có sự tham gia đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) – một trong số ít Doanh nghiệp nông nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng.

Bà Trần Thị Bình - Ủy viên HĐQT PVCFC (thứ 2 từ trái sang) nhận kỷ niệm chương từ Ban tổ chức

Như đã biết, nông nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển đất nước. Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu lương thực, đến nay không chỉ áp ứng nhu cầu lương thực, thực thẩm cho hơn 90 triệu dân, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn đạt thứ hạng cao trên thế giới như: gạo, café, cao sư, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến…


Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại diễn đàn

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: “tăng trưởng và phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức tới hạn. 

Chẳng hạn: tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%). Năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, hiện đang đối mặt với những vấn đề kinh tế nan giải, đó là: giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ. 

Song song với ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện CL&CSTC Bộ Tài chính cho hay: “trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của nông lâm ngư nghiệp tiếp tục có xu hướng chậm lại. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp. Thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn còn thấp”…

Từ câu chuyện phát triển kinh tế trong hơn 30 năm đổi mới, ông Nguyễn Văn Bình một lần nữa nhấn mạnh: “trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên, từ đó, có những  giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Thanh Huyền