Mỗi khi đến những ngày tháng 4 lịch sử, nhiều người Việt Nam chúng ta không thể nào quên được khí thế hào hùng tiến công thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Báo Năng lượng Mới trích đăng những cảm nhận không phai mờ của một thế hệ những người Dầu khí về thời khắc huy hoàng ấy nhân kỷ niệm 41 năm ngày chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.

Nguyên Chủ tịch CĐ DKVN Đỗ Chí Hiếu: Hành trình chông gai
 


Việt Nam đã kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ một cách ngoạn mục nhất - giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Thực ra, trong những ngày cuối tháng 4 ấy, qua theo dõi tình hình chiến sự, chiến thắng của ta chỉ còn tính bằng ngày nhưng đến trưa ngày 30-4-1975 thì hoàn toàn lại khác. Tất cả như vỡ òa lên, mừng vui tột độ, không thể nào tả hết. Đúng là “như đi trong mơ”, “đi giữa rừng cờ”…

Bản thân tôi, một chàng trai xuất thân từ quê lúa Thái Bình, cùng một số anh em khác của châu thổ sông Hồng đã được cử sang Liên Xô đào tạo về tìm kiếm thăm dò dầu khí. Việc này xuất phát từ tiên đoán thần kỳ của Bác Hồ kính yêu: “Việt Nam có biển, ắt có dầu…” từ gần 20 năm trước. Đồng bằng sông Hồng trong khái niệm địa chất chính là miền võng Hà Nội được kéo dài ra Biển Đông, nơi các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô đánh giá có khả năng chứa dầu khí cao và thực tế đã chứng minh lời tiên đoán của Bác Hồ đã thành sự thật. Được cử đi học tập tại Liên Xô trong lúc ở trong nước còn chiến tranh ác liệt là một ưu ái và vinh dự rất lớn, anh em chúng tôi đã cố gắng hết sức giành bằng đỏ xuất sắc (niên khóa 1967-1972) của một trong những trường đại học nổi tiếng ở châu Âu là Trường Hóa dầu Bacu Azerbajan thuộc Liên Xô cũ.

Tháng 4 năm ấy, tôi đang làm cán bộ kỹ thuật của Đoàn 36F thuộc Liên đoàn 36 - Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đóng quân tại Cẩm Giàng, tỉnh Hưng Yên. Hòa trong khí thế hừng hực của toàn dân tộc, là một người làm dầu khí, tôi được biết đến các nghiên cứu địa chất và phát hiện ra mỏ Bạch Hổ tại thềm lục địa phía Nam. Trong thâm tâm tôi cũng muốn thấy tận mắt mỏ dầu khí đầu tiên của Việt Nam, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại của phương Tây và thăm thú những cảnh đẹp miền Nam của Tổ quốc. May mắn thay, tháng 3-1976, Tổng cục cử đoàn cán bộ, trong đó có tôi, tham gia Dự án tàu GÉMEAUX của Công ty CGG (Pháp) khảo sát địa vật lý ở thềm lục địa phía Nam. Chúng tôi xuống Hải Phòng đi tàu biển vào Nam rất vui vẻ với hành trang gọn gàng trong “balô con cóc”.

Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên ra mỏ Bạch Hổ, đêm về thì bão lớn bất ngờ ập tới, không thể liên lạc với các tàu bảo vệ. Tất cả, kế cả chuyên gia Pháp, đều bị say sóng, nôn hết cả ra mật xanh mật vàng. Tôi bị rất nặng, uống các loại thuốc đều không khỏi. Quá nguy hiểm nên ta phải chịu phạt tiền để tàu chạy về bờ. Tại Vũng Tàu, vì không có giấy tờ tùy thân nên bị lực lượng biên phòng giữ nửa ngày.

Dù sao tôi vẫn hài lòng với quyết định vào Nam của mình. Cuộc chiến nào cũng có mất mát hy sinh, biết bao anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương và cả tính mạng của mình để làm nên đại thắng mùa xuân, chúng ta phải sống và làm việc như thế nào để đền ơn đáp nghĩa sự hy sinh cao cả đó.

Trong 36 năm công tác, qua nhiều đơn vị và gần 10 năm được nghỉ hưu, tôi luôn gắn bó với ngành Dầu khí và thực sự thấy mình may mắn và hạnh phúc vì đã được đào tạo, làm việc, học hỏi trong ngành với những đồng nghiệp tuyệt vời: Có chuyên môn sâu, biết nhiều ngoại ngữ, luôn khát vọng, không ngại gian khó.

 Cũng như con người có lúc mạnh khỏe, lúc ốm yếu “thì phải chữa trị cho khỏi”, ngành Dầu khí được tin tưởng giao trọng trách quản lý và khai thác đặc quyền nguồn vàng đen có hạn của đất nước, cũng có bước thăng trầm. Nhưng tôi luôn có niềm tin ngành sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển. Trong thâm tâm tôi luôn cầu chúc cho mọi người gặp nhiều may mắn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Nguyên Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Đức Tuấn: Xúc động đến phát khóc


Cuối năm 1974, tôi cùng anh Trương Minh, Nguyễn Trí Liễn được cử sang Pháp học, một thời gian sau sang Nga thì nghe tin báo chí nước ngoài loan tin miền Nam Việt Nam được giải phóng, ngày thống nhất đất nước đã gần kề. Cảm giác lúc đó vô cùng khó tả, ba anh em chỉ biết ôm nhau mà khóc. Xa Tổ quốc lúc này càng làm lòng dạ chúng tôi sục sôi, rồi nhanh chóng chuẩn bị hành lý về nước. Sự thèm khát tin tức khiến trên mỗi chặng đường anh em đều vểnh tai lên nghe, bằng vốn ngoại ngữ có hạn nhưng tới đâu cũng tìm hiểu. Lại nghe tin phát hiện ra khí và dầu ở Tiền Hải, miền Bắc có dầu, có khí đốt! Tin này cùng với tin giặc tháo chạy khỏi Tây Nguyên, rồi Huế và Đà Nẵng… Nội các Dương Văn Minh chính thức đầu hàng… chúng tôi reo hò, rồi mở sâm-panh ngay trên con tàu từ Xiberi qua biên giới các nước Mông Cổ, Trung Quốc rồi về Việt Nam.

Sau ngày giải phóng, công cuộc xây dựng đất nước trở nên sôi động và cấp bách hơn bao giờ hết. Cùng với kế hoạch tìm kiếm nguồn dầu mỏ, khí đốt trên vùng biển phía Nam và Đồng bằng sông Hồng được đẩy mạnh, tôi được đề bạt làm Đoàn phó Đoàn Địa vật lý và đến 1977 thì được giao nhiệm vụ quyền đoàn trưởng. Đoàn của tôi lúc nào cũng có trên 1.000 lao động, các sự kiện quan trọng trong ngành cứ thế dồn dập đến. Tháng 9-1975 Tổng cục Dầu khí Việt Nam được thành lập trên cơ sở Liên đoàn Địa chất 36, qua nhiều giai đoạn và nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế hùng mạnh nhất cả nước. Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm hoạt động trong ngành Dầu khí tôi vui mừng vì mình đã làm tròn nhiệm vụ. Đặc biệt sau ngày giải phóng, đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi, một giai đoạn được thực hiện biết bao hoài bão, ước mơ, cống hiến cho ngành Dầu khí.

Nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ Bỳ Văn Tứ: Những ngày đầu đáng nhớ


Ngày 30-4-1975, lúc đó tôi 29 tuổi đang làm Tổ phó Tổ Dầu thuộc Ban Dầu mỏ và Khí đốt thuộc Tổng cục Hóa chất (được thành lập năm 1971).

Cả tháng trời, từ lúc bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, mọi người vừa làm việc vừa nghe ngóng tin tức chiến trường, thấy thế tấn công của quân mình như chẻ tre mọi người trong Ban rất háo hức. Các cơ quan trong Tổng cục Hóa chất ngày nào cũng cử anh em có qua bên quân đội và bên Bộ Tổng tham mưu thu thập tài liệu tin tức trên chiến trường ra sao, quân mình tiến công ra sao, giải phóng những tỉnh thành nào rồi, cứ thế mỗi ngày 2 lần rồi thông báo lại cho anh em biết bên cạnh việc chúng tôi nghe đài.

Ngày 30-4 khi nghe quân ta tiến công vào Sài Gòn, mừng quá, mọi người tạm gác công việc lại và tập trung vào phòng lớn của Ban Dầu mỏ và Khí đốt bàn tán sôi nổi. Trong ban có người mừng quá chạy ra phố mua pháo về treo lên cái quạt trần giữa phòng để đốt, tôi bị một quả pháo văng vào người, cháy xém cái áo sơ mi nhưng quá mừng, nhảy hò reo tưng bừng, chạy ùa ra đường chào mừng giải phóng miền Nam.

Trước đấy, từ năm 1973 sau Hiệp định Paris đã có chủ trương xây dựng ngành Dầu khí. Cho nên đến năm 1974 đã có nghiên cứu quy hoạch phát triển ngành Dầu khí. Hồi đó tôi ở trong tổ quy hoạch làm báo cáo gửi lên trên về quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Từ năm 1974-1975, Tổng cục Hóa chất chỉ đạo làm các phương án phát triển ngành lọc hóa dầu ở Việt Nam, rồi hồi đó có thông tin Mỹ sẽ bồi thường chiến tranh ở Việt Nam khoảng 3 tỉ USD nên Nhà nước đã lên phương án làm nhà máy lọc dầu, hóa dầu, phân đạm… và cả ngành hóa chất cũng thế, các ngành công nghiệp khác cũng vậy để sử dụng nguồn vốn bồi thường chiến tranh phục hồi kinh tế và phát triển đất nước.

Ngay sau giải phóng, tháng 5-1975, anh Nguyễn Đông Hải - Phó trưởng ban Thường trực Ban Dầu khí thuộc Tổng cục Hóa chất cùng một số anh em trong Tổng cục đi vào miền Nam tiếp quản hồ sơ, tài liệu, mẫu dầu thô... thuộc Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, tôi không tham gia chuyến đi đó.

Tổng cục Dầu khí thành lập tháng 9-1975. Trước đó, khoảng tháng 8-1975 có kỷ niệm là anh Nguyễn Văn Biên, lúc đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được cử đi sang Mexico. Chuyến đi sang Mexico năm ấy có bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao sang Mexico ngay sau khi miền Nam giải phóng. Trong đoàn có tôi và anh Nguyễn Văn Biên là dân kỹ thuật. Đoàn sang gặp Tổng thống Mexico có kế hoạch viện trợ một số mục đào tạo nhân lực ngành Dầu khí, tài trợ thiết bị cho ngành nông nghiệp…

Đoàn đến thăm Nhà máy Lọc dầu Mexico, trên đường về, tôi và anh Nguyễn Văn Biên không đi cùng đoàn mà bay qua Paris, gặp Đại sứ Võ Văn Sung. Hồi đó Đại sứ Võ Văn Sung nhận được chỉ thị ở Việt Nam là chuẩn bị và giữ mối quan hệ tốt với các công ty dầu khí của Pháp hợp tác để tiếp tục công tác thăm dò dầu khí ở Việt Nam, tiếp tục công việc của các công ty dầu khí tư bản đã làm ở miền Nam Việt Nam trước đó. Gặp gỡ, trao đổi để tiến tới tiến hành đầu tư khai thác dầu khí ở Việt Nam, làm nhà máy lọc hóa dầu…

Khi về đến sân bay Gia Lâm, anh Đào Duy Chữ ra đón đoàn. Anh Đào Duy Chữ lúc này công tác ở Ủy ban Khoa học Nhà nước ra đón và có thông báo là đã có quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí và anh Nguyễn Văn Biên là Tổng cục trưởng.

Như vậy, anh Nguyễn Văn Biên và tôi đi qua Mexico và Paris để gặp các công ty dầu khí Mexico và Pháp đặt vấn đề hợp tác phát triển ngành Dầu khí Việt Nam sau ngày nước nhà thống nhất. Qua đó thấy rằng Chính phủ đã có sự chuẩn bị rất lâu để phát triển ngành Dầu khí nhưng sau vì nhiều nguyên nhân lực bất tòng tâm thôi. Nhiều dự án đã chuẩn bị từ năm 1970 nhưng đến mấy chục năm sau mới thành công.

Từ những năm 1970, tôi đã tham gia các dự án về phân đạm, sau về Tổng cục Dầu khí cũng có dự án về phân đạm nhưng mãi đến năm 2004 mới có nhà máy phân đạm dùng khí thiên nhiên ra đời. Ngày đầu tiên Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ chào mừng mẻ sản phẩm đầu tiên, đồng chí Đỗ Mười lúc đó đã về hưu về Vũng Tàu gọi tôi đến nói chuyện và tôi dẫn đồng chí Đỗ Mười thăm các kho sản phẩm đang có dòng sản phẩm đạm Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Đồng chí Đỗ Mười và tôi cùng hồi ức nhớ đến, phải mất mấy chục năm trời mới thành công, từ khi có ý tưởng làm nhà máy làm phân đạm hợp tác với Liên Xô từ nguồn khí được phát hiện ở Tiền Hải - Thái Bình, Tổng cục Dầu khí đã khảo sát dự kiến làm đường ống khí dẫn từ đây lên núi Đính để làm nhà máy phân đạm ở núi Đính… Như vậy từ năm 1970 đến 1980 mãi đến năm 2004, nghĩa là mấy chục năm sau, hai thầy trò mới được cầm sản phẩm phân đạm đầu tiên dùng khí thiên nhiên. Cả một hành trình khá dài với nhiều chông gai, nhiều vất vả.

Nguyên cán bộ Đoàn Địa chất Xuân Thủy 36N Lê Xuân Tùy: Nhớ mãi Thủ tướng Phạm Văn Đồng


Vào thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra ác liệt nhất trên toàn miền Nam, quân ta giành thắng lợi lớn trên Chiến trường Tây Nguyên, giải phóng 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tổ quốc thống nhất sắp thành hiện thực khiến lòng người háo hức.

Niềm vui như được nhân lên khi vào ngày 18-3-1975, giếng khoan tìm kiếm 61 đặt tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, Thái Bình đã có được dòng khí với trữ lượng có thể lên tới 1,3 tỉ m3. Đây là giếng phát hiện dòng khí công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm dầu khí. Nghe tin, chỉ 3 ngày sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã xuống thăm và chúc mừng cán bộ, công nhân thăm dò Dầu khí. Bác Đồng thăm giếng số 60 ở xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tôi vinh dự được cử ra báo cáo với Thủ tướng về tiến độ các giếng khoan, về công tác công đoàn.

Sau khi nghe tôi báo cáo, Thủ tướng nói: “Tôi hôm nay đi rất vội, nghe tin các đồng chí khoan trúng dòng dầu khí, xuống thăm mà không có quà. Lần sau sẽ có quà thưởng. Các chú phóng viên chụp ảnh cho tôi và các đồng chí, đếm người để tặng mỗi chú một tấm làm quà tặng”. Hôm ấy Thủ tướng chỉ đích danh tôi rồi hỏi: “Là người đại diện cho Công đoàn của Đội 36N, đồng chí có đề nghị gì với Chính phủ không?”. Tôi run lắm nhưng vẫn cố rắn rỏi thưa: “Đất nước đang còn chiến tranh, chúng cháu đã có chế độ tốt rồi, không đề nghị gì hơn. Chỉ mong Chính phủ đừng phát phiếu cá, bởi hiện nay giặc bắn phá rát quá, không đánh bắt gì được nên phát ô cá mà không có cá chia cho anh em”. Thủ tướng vui mừng động viên đội khoan vững niềm tin, bám đất tìm thêm dầu khí cho đất nước.

Cảm xúc tự hào từ lần được thay mặt anh em cán bộ thăm dò địa chất ngành Dầu khí báo cáo với Thủ tướng còn mãi trong lòng tôi.

Nguyên Bí thư Đảng ủy Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Lê Quang Trung: Những đồng nghiệp ở Sài Gòn


Là một trong những người đầu tiên của Đoàn cán bộ Tổng cục Địa chất vào tiếp quản Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Việt Nam cộng hòa sau ngày 30-4-1975, tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng đầy khí thế của cả dân tộc khi đất nước hòa bình, đặc biệt là không khí tại Sài Gòn lúc ấy.

Ngày ấy, khi hay tin miền Nam sắp giải phóng, Tổng cục Địa chất quyết định thành lập một đoàn cán bộ bay vào Sài Gòn để tiếp quản tài liệu của các công ty dầu khí nước ngoài từng làm việc ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam từ năm 1971 đến năm 1975. Đoàn cán bộ có 12 người, tôi đi theo nhóm 1 trong chuyến bay sáng ngày 5-5-1975. Trên chuyến bay ấy có thiếu tướng Hoàng Phương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không - Không Quân đưa pháo hoa vào Nam để chuẩn bị đón bác Tôn Đức Thắng vào làm lễ mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 15-5-1975.

Vào Nam, Đoàn cán bộ của Tổng cục Địa chất được tướng Trần Văn Trà (Trưởng ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định) bố trí đến Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Chúng tôi từ miền Bắc vào trong khí thế chiến thắng, tâm trạng háo hức. Cả đoàn ở khách sạn Continential, trên đường Đồng Khởi rồi đi bộ qua số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trụ sở của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản để đọc và đánh giá tài liệu. Tất cả đoàn tiếp quản đều mặc áo bộ đội, mũ tai bèo, người dân rất hồ hởi vì cứ nghĩ chúng tôi là bộ đội Cụ Hồ nên rất phấn khởi. Cuộc gặp gỡ cán bộ làm trong ngành Dầu khí giữa hai phía lúc đầu có phần dè dặt. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc, trò chuyện thì tất cả nhân viên ở Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản đều vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ đoàn tiếp quản thu thập các tài liệu có được lúc đó.

Trước đó, trước khi miền Nam giải phóng đã có một nhóm quân quản vào, đợi ngày giải phóng là tiếp quản, tránh tình trạng xáo trộn của những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh có thể dẫn đến mất mát tài liệu... May là, có một số cán bộ, công nhân viên của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản còn ở lại và họ rất sẵn lòng giữ gìn các tư liệu quý này. Chính vì thế mà toàn bộ tài liệu dầu khí ở Tổng cuộc, khoảng hàng tạ tài liệu vẫn còn giữ nguyên vẹn. Chính nguồn tài liệu này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, sau này giúp cho Công ty Dầu khí Nam Việt Nam xác định được khu vực tìm kiếm, thăm dò nhanh hơn. Vì nếu không có nguồn tài liệu quan trọng này thì chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam.

Nhóm PV
Nguồn: Năng lượng Mới 518+519