Bộ sản phẩm mang thương hiệu “Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng” đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nông dân
Trong bối cảnh đất nước và người nông dân đang rất cần một chỗ dựa vững chắc về nguồn cung phân bón, đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp, vấn đề đặt ra là, cần phải làm gì để những nhà máy như Đạm Cà Mau tiếp tục phát triển vững mạnh, góp phần định hình ngành công nghiệp phân bón trong nước.
Chuẩn bị nội lực
Nhà máy Đạm Cà Mau là dự án có quy mô lớn nhất và phức tạp nhất trong cụm dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau, có công suất thiết kế 800.000 tấn urê/năm, có tổng vốn đầu tư 900 triệu USD. Dự án hoàn thành vượt tiến độ, tiết kiệm cho đất nước gần 200 triệu USD, với công nghệ hiện đại và sản phẩm đạt chất lượng cao, góp phần ổn định nguồn cung phân đạm trong nước.
Sản phẩm urê hạt đục chất lượng cao của Đạm Cà Mau đã được tiêu thụ tốt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều khu vực khác trên cả nước, tiết kiệm hàng trăm triệu USD nhập khẩu, bình ổn thị trường, giải quyết dứt điểm tình trạng sốt phân bón mỗi khi mùa vụ đến.
Bắt đầu sản xuất thương mại từ năm 2010, trong giai đoạn đầu khấu hao lớn, Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên Đạm Cà Mau đã luôn nỗ lực hết mình để vận hành tốt nhất nhà máy với 103 - 107% công suất, đạt hiệu suất vận hành tối ưu.
Đạm Cà Mau đã chào đón tấn sản phẩm thứ 5 triệu vào quý II/2018. Bộ sản phẩm mang thương hiệu “Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng” gồm urê hạt đục Cà Mau, đạm đen N.Humate+TE, đạm xanh N46.Plus, NPK Cà Mau, DAP Cà Mau, kali Cà Mau… mang nhiều đặc tính dinh dưỡng cho cây trồng đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nông dân khắp cả nước trong từng mùa vụ. Năm 2017, trên 940.000 tấn sản phẩm đã được bà con nông dân tiêu thụ, góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà.
Cơ chế giá khí hợp lý giai đoạn 2015 - 2018 của Chính phủ đã đảm bảo cơ hội phát triển đáng kể cho Công ty, giúp Đạm Cà Mau tích lũy tốt lợi nhuận, tái đầu tư cho nhiều dự án có tiềm năng như nhà máy sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy công suất 300.000 tấn/năm, cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn…
Năm 2018, Đạm Cà Mau đặt kế hoạch sản lượng 751.000 tấn urê; tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 685 tỷ đồng. Công ty đã cùng với đơn vị tư vấn xây dựng hoàn thiện chiến lược phát triển và kế hoạch triển khai công tác tái cấu trúc. Trong đó, chú trọng đặc biệt cho các giải pháp sau năm 2018 khi cơ chế điều tiết giá khí kết thúc.
Cần lời giải hợp lý cho bài toán giá khí và nguồn khí
Khí tự nhiên là nguồn nguyên liệu đầu vào chính của Đạm Cà Mau, nên cơ chế giá khí mới cho Công ty là vấn đề được quan tâm không chỉ với các cổ đông hiện hữu, mà với cả hàng triệu người nông dân đang sử dụng sản phẩm của Công ty. Nếu cơ chế mới biến động quá lớn và không ổn định, giá sản phẩm sẽ biến động theo và ảnh hưởng trực tiếp tới đầu vào sản xuất và sản phẩm nông nghiệp.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2018, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẳng định, với trách nhiệm là cổ đông lớn, PVN sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về các nguồn lực trong đó có việc cung cấp khí ổn định, tối ưu nhất cho Đạm Cà Mau trong cụm Khí – Điện – Đạm để tạo động lực cho Công ty phát triển lâu dài.
Hiện nguồn khí cung cấp cho Đạm Cà Mau lấy từ mỏ PM3, thuộc vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Maylaysia, với sản lượng 2 tỷ m3/năm. Bên cạnh nguồn khí thuộc quyền khai thác của Việt Nam, PVN đã hợp tác với Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) để mua thêm khí bổ sung từ phần đối tác khai thác. Tương lai xa hơn, mỏ khí Lô B Ô Môn đi vào vận hành sẽ hỗ trợ cho nguồn khí cung cấp cho Đạm Cà Mau.
Ngoài góp phần ổn định an ninh lương thực trong nước, Đạm Cà Mau đang đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng xuất khẩu. Chiến lược này chỉ có thể khả thi khi cơ chế giá khí mới được thay đổi, tính toán một cách hợp lý. Khi nhìn nhận về câu chuyện thay đổi chính sách với các doanh nghiệp lớn, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam phải phát triển được những doanh nghiệp lớn trong khu vực công nghiệp và dịch vụ có khả năng cạnh tranh quốc tế thì mới có thêm động lực cho nền kinh tế. Đó phải là những doanh nghiệp tập trung cho công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và các dịch vụ then chốt.
Những doanh nghiệp như Đạm Cà Mau đang nỗ lực theo đuổi chiến lược phát triển công nghiệp hóa dầu dài hạn, nhưng để họ thành công, tiếp tục đóng góp lớn cho nền kinh tế, lại phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ, đồng hành về mặt chính sách của Nhà nước. Đối với Đạm Cà Mau, cơ chế giá khí hợp lý và nguồn khí đảm bảo chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của chiến lược phát triển này.
Anh Việt (Đầu tư Chứng khoán)