Giá dầu thế giới giảm sâu và kéo dài hơn một năm qua đã tác động rất lớn đến ngành công nghiệp dầu khí. Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với TSKH Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) xung quanh những ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu và giải pháp ứng phó trong tình hình hiện nay.

Cục diện căng thẳng


PV: Thưa tiến sĩ, với góc nhìn của nhà quản lý từng đứng đầu Petrovietnam, lại là một nhà khoa học, ông nhận định như thế nào về nguyên nhân suy giảm giá dầu thời gian qua?

TSKH Phùng Đình Thực: Phải nói rằng, giá dầu từ 110USD/thùng có lúc rớt xuống dưới 27USD/thùng vào tháng 1-2016 vừa qua đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến kinh tế các nước xuất khẩu dầu, đến sự phát triển của các công ty dầu khí trên toàn thế giới. Đã từng có những giai đoạn giá dầu lao dốc sâu, song lần này phức tạp hơn nhiều và đây là một giai đoạn khó khăn khác hẳn, đặc biệt là năm 2016 này.

TSKH Phùng Đình Thực

Dầu khí là hàng hóa chiến lược nên những biến động trên thế giới như sản xuất, kinh tế, tài chính - tiền tệ, an ninh - địa chính trị… đều tác động đến giá dầu. Lịch sử và quy luật giá dầu không cố định mà dao động liên tục, rất nhạy cảm, khó dự báo. Nhìn chung giá dầu phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là: Sự tương tác giữa cung và cầu trên thị trường; lợi ích của nhóm các quốc gia; các yếu tố chính trị. Ngoài ra, còn các yếu tố bất thường khác như chiến tranh, thiên tai.

Những năm 2009-2014, giá dầu tăng và liên tục duy trì ở mức cao, có thời kỳ đạt 130USD/thùng và chủ yếu xoay quanh mức 100USD/thùng đã kích thích các nước, các công ty khai thác, sản xuất dầu gia tăng sản lượng.


Nguyên nhân giá dầu giảm lần này cơ bản khác với các lần trước đây. Vào năm 1998… giá dầu giảm mạnh xuống 8-9USD/thùng do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính Thái Lan (cuối 1997) dẫn đến “Khủng hoảng tài chính châu Á”. Năm 2002-2003, giá dầu giảm xuống 20-30USD/thùng do ảnh hưởng bởi khủng bố tại Mỹ (11-2001) và Mỹ tấn công Iraq. Tháng 6-2008, giá dầu giảm nhanh từ 130USD/thùng xuống 40USD/thùng do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Lần này giá dầu giảm phức tạp hơn, có thể quy về 3 nguyên nhân chính: Do cung vượt cầu, do quyền lợi kinh tế của một nhóm các nước và do yếu tố địa chính trị.

PV: Xin ông cho biết một vài so sánh, đánh giá cụ thể về cung cầu cũng như quyền lợi kinh tế, chính trị cụ thể của các quốc gia?

TSKH Phùng Đình Thực: Trên thực tế, sản lượng dầu thế giới đã gia tăng mạnh, từ 2011 đến 2014, khoảng 93,5-94 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, nhu cầu dầu thô thế giới đang giảm mạnh, tiêu thụ dầu thô chỉ ở mức xoay quanh 92 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chính là do kinh tế thế giới phục hồi chậm; các nước đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng mặt trời, gió, điạ nhiệt, thủy triều… để giảm phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu, bảo vệ môi trường và đã thay thế được một phần nhiên liệu hóa thạch; đồng thời, nhiều quốc gia đã ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tìm các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khi giá dầu cao nhiều năm qua, kể cả sản xuất ra các thiết bị máy móc tiêu thụ ít năng lượng hơn để nâng cao sức cạnh tranh.

Như vậy, cung vượt cầu khoảng 1,5-2 triệu thùng/ngày là nguyên nhân số một khiến giá dầu sụt giảm. Cũng cần nhắc lại, sau khi Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu từ Mỹ áp dụng suốt 40 năm qua và việc quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, con số dư thừa cung có thể tăng thêm tới 1-2 triệu thùng/ngày trong thời gian tới. Đây cũng chính là lý do những tháng gần đây giá dầu xuống đến mức thấp nhất.

Nguyên nhân tiếp theo là do các nước sản xuất dầu khí trong và ngoài Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tranh giành thị trường, giữ thị phần, không bên nào chịu cắt giảm sản lượng khiến giá dầu tiếp tục giảm. Giá dầu thấp luôn tác động tiêu cực, thậm chí là làm hủy hoại công nghệ khai thác dầu đá phiến, khai thác dầu nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư vào khu vực nước sâu, Bắc Cực, các khu vực phức tạp khác. Với kỳ vọng có thể hạn chế Mỹ (nước đang sản xuất lượng lớn dầu từ đá phiến) đi vào thị trường xuất khẩu; ngăn chặn Nga, Trung Quốc, châu Âu và các nước khác phát triển khai thác dầu khí đá phiến, những động thái cắt giảm sản lượng cần có để cân bằng thị trường từ các nước Trung Đông và OPEC lại chưa xảy ra vì ý định bảo vệ vai trò số 1 và tiếp tục chi phối thị trường về cung cấp dầu thô thế giới.

Bên cạnh đó, Mỹ đang chấp nhận giá dầu thấp cùng với các biện pháp trừng phạt để đẩy nhanh Nga rơi vào suy thoái, khủng hoảng.

PV: Như vậy, khó có thể nhìn thấy “phao cứu sinh” cho giá dầu trong tương lai gần, thưa tiến sĩ?

TSKH Phùng Đình Thực: Đã có nhiều người cho rằng tình trạng này có thể sẽ kéo dài hàng thập niên. Tôi cho rằng, trong ngắn hạn giá dầu chưa tăng cho đến khi OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác chưa cắt giảm sản lượng; Tuy nhiên, trong dài hạn giá dầu sẽ tự điều chỉnh, cân bằng theo đúng quy luật tự nhiên và quy luật thị trường vì dầu khí là tài nguyên hữu hạn, là năng lượng không tái tạo, chưa thể thay thế hoàn toàn trong 30 năm tới.

Giá dầu thấp đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, thu ngân sách của nước xuất khẩu dầu, đe dọa xảy ra suy thoái sâu, khủng hoảng của một số nền kinh tế. Trong điều kiện hội nhập toàn cầu, một nước suy thoái hay khủng hoảng hoặc một nhóm các nước yếu cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác.

Điều đáng nói là giá dầu thấp cũng làm cho các công nghệ năng lượng khác như năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế không thể phát triển được vì chi phí đầu tư quá cao.

Mọi dự báo về sự phục hồi của giá dầu cho đến nay đều chỉ là tương đối vì điều này phụ thuộc quá lớn vào những “ẩn số” có thể giải quyết các nguyên nhân gây nên sự suy giảm.

Cần biết rằng, giá thành sản xuất dầu thế giới dao động 20-80USD/thùng, hoặc thậm chí có mỏ có giai đoạn lên đến 100USD/thùng. Trung bình giá hòa vốn (Breakeven) trên thế giới là 40-50USD/thùng, trong đó 37 triệu thùng/ngày có giá hòa vốn trên 45USD/thùng, chỉ còn 54 triệu thùng/ngày có giá thấp hơn 45USD/thùng. Giá dầu thấp tác động tiêu cực đến phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực dầu khí như dầu đá phiến, khai thác dầu nước sâu, Biển Bắc, công nghệ khai thác dầu nặng (khai thác các dạng dầu trên rất tốn kém, hầu hết không chịu nổi nếu giá dưới 70USD/thùng).


Những người thợ khoan của PV Drilling

Cục diện của “Cuộc chiến giá dầu” hiện đang thách thức khả năng chịu đựng của tất cả các công ty dầu khí và các quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu.

Tôi cho rằng, khó có chuyện các công ty và quốc gia xuất khẩu dầu chấp nhận kéo dài tình trạng bù lỗ lâu dài cho giá dầu dù đó là vì lý do nào, bởi tiềm lực của họ đều có hạn.

Hiện nay, vấn đề điều tiết dòng tiền đối với các công ty dầu khí đều vướng mắc, không có ngân hàng nào cho vay trong hoàn cảnh này nên họ phải cắt đầu tư. Khi đã cắt đầu tư thì những năm sau này sẽ không có sản lượng. Khi không có sản lượng thì cung cầu sẽ dần cân bằng và giá sẽ phải quay về với chuẩn của nó.

Xét tổng thể tình hình các mặt kinh tế, chính trị, trong năm 2016 có thể giá dầu sẽ tăng đến 50-60USD/thùng và trong trung hạn 3-4 năm tới, giá dầu tăng dần tới mức 70-80USD/thùng. Về dài hạn sau năm 2020 khả năng giá dầu sẽ tăng trên 100USD/thùng. 

Ứng xử của Petrovietnam

PV: Nhìn nhận của tiến sĩ về thực trạng của Petrovietnam như thế nào trong bối cảnh giá dầu giảm sâu như hiện nay?

TSKH Phùng Đình Thực: Petrovietnam là tập đoàn sản xuất - xuất khẩu dầu thô nên giá dầu thấp đã ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến tất cả các chỉ tiêu sản xuất - tài chính và hoạt động của Tập đoàn trong giai đoạn này. Tất cả các đơn vị trong ngành đều bị ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu, lợi nhuận, đầu tư, đời sống, việc làm… từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến dịch vụ khoan, địa chấn, khảo sát, chế tạo giàn, cung ứng vật tư - thiết bị, xây lắp vận chuyển…

Cần nhận diện rõ hai khó khăn lớn nhất của Petrovietnam là vốn - tài chính từ nguồn doanh thu của Tập đoàn khi dầu mất giá và điều kiện tìm kiếm thăm dò dầu khí (khâu cốt lõi nhất của Petrovietnam) ngày càng khó khăn, phải tiến ra vùng nước sâu, xa bờ, tốn kém và rủi ro cao hơn nhiều. Việc mở rộng tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài lại đòi hỏi nguồn vốn lớn, các mỏ tốt khan hiếm và gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các công ty dầu khí lớn trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều công ty dầu khí nước ngoài trong bối cảnh khó khăn đã rút đi. Tình hình Biển Đông căng thẳng và phức tạp ảnh hưởng tới tiến độ các dự án. Bên cạnh đó, điều kiện triển khai công tác phát triển mỏ dầu khí ngày càng khó khăn đòi hỏi chi phí cao so với trước. Vốn giảm, thăm dò - khai thác dầu khí giảm kéo theo hàng loạt các dịch vụ giảm theo.

Hiện nay, Petrovietnam đang khai thác 17 dự án với giá thành dao động 26-85,5USD/thùng dầu; trung bình là 36,8USD/thùng.

Lấy một ví dụ cụ thể, nếu giá dầu dao động quanh mức 40USD/thùng, tổng doanh thu của Petrovietnam sẽ giảm từ 250-300 nghìn tỉ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước giảm khoảng 70-80 nghìn tỉ đồng so với khi giá dầu trên 100 USD/thùng. Khi nguồn thu, lợi nhuận giảm, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ phải điều chỉnh giảm chi phí, đầu tư. Đối với các đơn vị thăm dò khai thác dầu khí (Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP) khi đầu tư giảm sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sản lượng dầu những năm sau. Ngoài ra, khi giá dầu giảm xuống thấp hơn 40USD/thùng, lần lượt các công ty/các mỏ dầu có chi phí giá thành cao không đủ bù chi phí, sẽ phải xem xét dừng đầu tư, dừng việc sản xuất, nếu không sẽ phải đi vay để duy trì sản xuất.

PV: Như vậy, có thể Petrovietnam sẽ phải giảm sản lượng khai thác hoặc đóng một số mỏ?

TSKH Phùng Đình Thực: Petrovietnam sẽ phải rà soát lại tất cả các mỏ và điều chỉnh sản lượng phù hợp trên cơ sở hiệu quả. Tuy nhiên, không phải tất cả các mỏ có giá thành cao đều dừng sản xuất. Việc quyết định dừng giếng/mỏ nào phải trên cơ sở tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế đầy đủ 2 phương án (dừng hoặc tiếp tục khai thác) để lựa chọn phương án tốt nhất, với nguyên tắc: bảo vệ tài nguyên đất nước, đảm bảo lợi ích Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của Tập đoàn và các đơn vị.

Song song đó, cần xây dựng các giải pháp đầu tư - tài chính, bao gồm cả giải pháp huy động nguồn vốn để ứng phó với giá dầu thấp. Lập danh sách thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư theo các kịch bản giá dầu khác nhau, trong đó tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, không đầu tư vào các dự án chưa thực sự cấp bách.

PV: Theo tiến sĩ, những giải pháp nào được coi là chủ động, linh hoạt và cần thiết nhất với Petrovietnam cho giai đoạn hiện nay?

TSKH Phùng Đình Thực: Hiện nay Petrovietnam đã đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành hữu hiệu cụ thể cho từng lĩnh vực, phù hợp điều kiện, đặc điểm của từng đơn vị để ứng phó với tình hình giá dầu giảm sâu và kéo dài nhằm vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao về đầu tư, sản xuất kinh doanh, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh thêm mấy điểm then chốt.

Đó là phải đề phòng bất lợi kép của giá dầu: Khi giá dầu giảm (do khách quan) Petrovietnam bị thiệt hại lớn nhưng nếu không có điều hành và ứng xử phù hợp (do chủ quan) thì khi giá dầu lên sẽ không có dầu mà bán.

Petrovietnam phải điều hành và ứng xử theo một cách hoàn toàn khác thì mới có thể tháo gỡ được những nút thắt hiện nay và phòng bất lợi kép.

Cả ba cấp: Nhà nước, Tập đoàn và các đơn vị thuộc ngành Dầu khí đều phải vào cuộc, phải cùng chung tay. Nhà nước thì hỗ trợ về chính sách, cơ chế; Tập đoàn làm đầu mối để liên kết, phối hợp điều hành chung; đơn vị phải chủ động theo thế mạnh của mình. Hơn bao giờ hết, lúc này cả Tập đoàn phải thực sự trở thành một khối thống nhất.

Cho dù khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì và tìm cách đẩy mạnh đầu tư cho khâu tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí. Từ tìm kiếm thăm dò - khai thác kéo theo các lĩnh vực khác ổn định và phát triển. Đây không chỉ là vấn đề bắt buộc phải gia tăng trữ lượng dầu khí cho tương lai mà còn là vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nhà nước cần phải xem xét tăng mức đầu tư cho Quỹ Tìm kiếm thăm dò từ 10% lên 30% lợi nhuận sau thuế, vì đây là quỹ rủi ro, chỉ sử dụng tiền của nước chủ sở hữu. Đồng thời điều chỉnh giảm 50% mức thu từ lợi nhuận sau thuế của Petrovietnam để phục vụ đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn. Đó là bài toán tổng thể dài hơi, đầu tư ngay từ bây giờ cho tương lai.

Vào lúc này, Tập đoàn và các đơn vị phải thực sự ngồi lại với nhau bàn thảo thật sâu, thật kỹ để tháo gỡ. Bên cần giếng phải có giếng, bên có phương tiện thì phải được sử dụng. Ta không thể chấp nhận để các giàn khoan, phương tiện thiết bị đã đầu tư đứng đó không có việc làm, trong khi bên cần có giếng thì không có. Các công ty dầu và công ty khoan đàm phán để ký được hợp đồng khoan với điều khoản thanh toán chậm. Khi có hợp đồng khoan sẽ đàm phán với ngân hàng để họ chấp nhận giãn nợ, giãn yêu cầu thanh toán. Không thể để tình trạng cùng trong một Tập đoàn mà bên cần giếng thì không có giếng, bên có giàn thì không ai thuê.

Tuy nhiên, phải dự báo được giá dầu để lựa chọn thứ tự khoan và tiến độ đưa giếng nào, mỏ nào vào trước theo một lộ trình, một kịch bản phục hồi của giá dầu. Cần tranh thủ cơ hội khi giá dịch vụ, giá giàn khoan nước sâu thấp, thuê giàn khoan triển khai công tác khoan thăm dò, thẩm lượng phục vụ đánh giá tiềm năng dầu khí ở khu vực mới.

Petrovietnam đang thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí toàn diện nhưng đồng thời cũng phải có phương án để đề phòng các sự cố, bảo đảm hoạt động hiện tại hoặc sau này có thể hoạt động lại ngay khi cần. Ví dụ, cần rà soát điều chỉnh các định mức kế hoạch, định mức tiêu hao vật tư, hao hụt nguyên nhiên liệu; cắt giảm những vật tư - phụ tùng chưa cần thiết. Toàn Tập đoàn cần lập một cơ sở dữ liệu về thông tin các chủng loại thiết bị phụ tùng dự phòng, thay thế để liên kết, điều tiết, ứng cứu lẫn nhau khi cần. Các đơn vị cùng nhóm sản xuất: Các đơn vị cùng thăm dò khai thác dầu khí (VSP, PVEP, JOC, Biển Đông, PV Gas); hai nhà máy đạm (Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau); các công ty khoan (PVD, VSP); các đơn vị tàu thuyển (PV Trans, PTSC, VSP); các nhà máy điện (Cà Mau, Phú Mỹ, Vũng Áng…) cần thông báo cho nhau về danh mục phụ tùng dự trữ, phụ tùng cắt giảm.  Không nên để tình trạng nhiều đơn vị sử dụng vật tư, phụ tùng giống nhau lại cùng lúc đều phải dự phòng như nhau hoặc cùng cắt giảm để khi  cái cần thì thiếu mà cái có lại cùng dư thừa. 

Đối với hoạt động dịch vụ trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Petrovietnam cần kiến nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ dịch vụ trong ngành, trong nước. Những gì trong nước làm được thì kiên quyết không thuê nước ngoài. Nhưng các đơn vị dịch vụ có trách nhiệm tìm giải pháp để giá thành cạnh tranh được và phải ở trong tâm thế sẵn sàng giảm giá; các chuyên gia phải ngồi lại với nhau để cùng bàn thảo đưa ra mức giá hợp lý nhất để thấu hiểu và chấp nhận các giải pháp tình huống trong bối cảnh này. Không lỗ là tốt nhưng thậm chí lỗ ít cũng vẫn phải làm. Ví dụ, anh dừng thì anh lỗ 2, anh làm thì lỗ 1, vậy thì phải làm.

Đối với Nhà nước, Tập đoàn bám sát vào tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị để chủ động tham mưu, đề xuất những cơ chế chính sách đặc thù cho ngành Dầu khí.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay cơ chế thu nộp ngân sách Nhà nước đối với PVEP là chưa phù hợp, không nên thu theo từng dự án giống như các công ty điều hành chung, công ty liên doanh, mà cần có cơ chế ứng xử như với một công ty độc lập của Việt Nam khác. Hoặc việc áp thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng cần được ứng xử bình đẳng như với các loại xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc.

Vấn đề kêu gọi đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam, chúng ta đang rất cần có chính sách “mở” hơn, thu hút hơn, điều khoản hợp tác phải ổn định hơn. Ví dụ, các điều khoản đã được ký kết hợp đồng thì nhà đầu tư được đảm bảo điều khoản ổn địnhkhi sự thay đổi chính sách của Nhà nước (nếu có) làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả dự án

Petrovietnam có trách nhiệm kiến nghị, đề xuất để Nhà nước ban hành chính sách thu hút các thành phần kinh tế khác, xã hội hóa nguồn vốn khi đầu tư vào các dự án công nghiệp dầu khí, dịch vụ.

PV: Xin cảm ơn những trao đổi của tiến sĩ!


Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn:Năng lượng Mới 505