Sau “Mùa xuân từ những giếng dầu” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, sáng tác từ năm 1984, khi có sự kiện Việt Nam hạ thủy chân đế giàn khoan dầu khí đầu tiên (MSP-1) tại mỏ Bạch Hổ, cho đến nay, ngành Dầu khí nói chung, các tổng công ty nói riêng đều có rất nhiều sáng tác về ngành, về doanh nghiệp mình. Không ít bài trong số đó đã thể hiện được “chất” của người dầu khí, được cán bộ, công nhân viên (CBCNV) lao động yêu thích và thường xuyên biểu diễn…

Không thể phủ nhận giá trị to lớn của âm nhạc nói chung, phong trào văn hóa văn nghệ nói riêng trong đời sống của con người. Bởi thế, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoàn thành trọng trách là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước, phong trào văn hóa văn nghệ được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), công đoàn ngành cũng như chính quyền, công đoàn các tổng công ty, đơn vị thành viên thuộc PVN quan tâm chú ý.

Hầu như đơn vị nào trong PVN cũng có bài hát riêng của mình. Như “Trái tim Dung Quất”, “PV OIL tự hào ta đi lên”, “PETROSETCO - chặng đường vinh quang”, “Bài ca người thợ” (Cửu Long JOC).


Năm 2008, PVN phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành Dầu khí dành cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên là người Việt Nam và người nước ngoài có quan tâm đến sự nghiệp dầu khí nước nhà. Với mục đích ca ngợi những truyền thống tốt đẹp và sự phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ CBCNV trên mọi lĩnh vực trong ngành, ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Liên Xô trước đây và mối quan hệ với cộng đồng quốc tế của ngành Dầu khí Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển thông qua âm nhạc, cuộc thi đã thu hút nhiều nhạc sĩ chuyên và không chuyên tham gia. Và kết quả, bài hát “Hành khúc những người đi tìm lửa”, nhạc Hoàng Long, thơ Đinh La Thăng đã đạt giải xuất sắc và được chọn làm bài hát truyền thống của ngành Dầu khí, cho đến thời điểm này.

Có một thực tế, mặc dù lao động trong một ngành công nghiệp nặng, không thiếu những vất vả, hiểm nguy, nhưng người dầu khí cũng rất lãng mạn, tài hoa. Trong những cuộc hành trình lênh đênh trên sóng nước, sau những ngày miệt mài lao động, sáng tạo, phát huy sáng kiến khoa học kỹ thuật làm lợi hàng tỷ đồng cho quốc gia, tập đoàn, cơ quan, người dầu khí cũng có những phút giây lắng lại, bên biển cả bao la, giữa trùng dương tít tắp…

Xưa nay, viết bài hát cho ngành vốn không dễ. Để một sáng tác viết theo đơn đặt hàng vượt ra khỏi số phận của một “ngành ca” càng không dễ. Ai cũng biết vai trò của ngành Dầu khí đối với đất nước. Bản thân ngành Dầu khí cũng là một ngành đậm chất sử thi và không thiếu yếu tố lãng mạn, với những con người mải miết trên những cuộc hành trình vinh quang mà lắm rủi ro. Cho đến nay, ngành cũng đầu tư khá nhiều kinh phí, thời gian, tâm huyết để tổ chức những cuộc thi sáng tác bài hát về ngành. Tương tự như thế ở cấp tổng công ty. Hàng trăm, hàng chục bài hát đã ra đời sau những chuyến đi thực tế Dung Quất, Cà Mau, sang tận các sa mạc châu Phi… với sự tham gia của rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành Dầu khí tổ chức năm 2008 cũng hướng các sáng tác tới việc phản ánh chân thực cuộc sống, lao động và tinh thần say mê sáng tạo, phát huy khoa học kỹ thuật của CBCNV dầu khí đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của ngành và đất nước. Ca ngợi gương người tốt, việc tốt và gương những anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua trong toàn ngành.
Câu hỏi đặt ra ở đây là có bao nhiêu sáng tác trong số này, qua cuộc thi, cũng như viết theo cảm xúc tự do trong suốt chiều dài lịch sử 50 năm ngành Dầu khí Việt Nam thể hiện hết, đầy đủ những yêu cầu đó về mặt ca từ, bằng một chất liệu âm nhạc của một bài “ngành ca”, vừa dễ nhớ dễ hát dễ thuộc vừa có một số phận độc lập, được công chúng ngoài ngành chấp nhận?

Mặc dù không phải là bài hát viết theo đơn đặt hàng, mà hoàn toàn là những giai điệu xuất phát từ sự rung động của cá nhân nghệ sĩ, một công dân trước sự kiện Việt Nam khai thác mỏ dầu lần đầu tiên, vào năm 1984, “Mùa xuân từ những giếng dầu” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vẫn được coi là bài hát viết về ngành nghề nhưng có được một “cuộc đời” độc lập trong tâm thức của người nghe hiếm hoi cho đến nay. Không chỉ riêng đối với ngành Dầu khí.


Một tác phẩm không nhiều lời, giai điệu không cầu kỳ phức tạp, không phô diễn kỹ thuật, nhưng đầy ắp cảm xúc, “Mùa xuân từ những giếng dầu” là một trong 5 ca khúc được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Hơn thế, còn là một bài hát vượt thời gian, năm tháng.

Đưa ra một ví dụ, để thấy, nếu một bài hát khởi nguồn từ cảm xúc thực sự của người viết, chạm được tới cảm xúc chung của người nghe thì sẽ được đón nhận, chấp nhận, cho dù là viết về cái gì, lĩnh vực nào. Được biết, PVN và công đoàn ngành, các tổng công ty cũng cố gắng rất lớn, nhằm tạo nên một làn gió mát lan tỏa tới tận trái tim người dầu khí cũng như người ngoài ngành để họ hiểu hơn văn hóa dầu khí, đằng sau những con số hàng trăm, hàng tỉ đồng mỗi ngày.

Hội diễn “Tiếng hát những người đi tìm lửa” hằng năm được xem là một hiện tượng của văn hóa dầu khí. Hội thi “Duyên dáng Dầu khí” cũng là một cuộc thi thu hút sự chú ý của toàn ngành. CBCNV của PETROSETCO còn lập cả một ban nhạc riêng. Không ít lao động của một vài công ty xuất thân là nghệ sĩ. Liên hoan nghệ thuật quần chúng công nhân viên chức lao động toàn quốc năm 2013, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đoạt giải Nhất toàn đoàn. Hằng năm, các tổng công ty đều tổ chức các hội diễn văn nghệ suốt từ Bắc vào Nam… Cần có một khối lượng tác phẩm không nhỏ để biểu diễn, để đem văn hóa dầu khí lan tỏa sâu rộng hơn trong toàn ngành cũng như đến với công chúng.

Ai đó nói, khi mọi thứ ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng. Âm nhạc là một trong những con đường quảng bá hiệu quả nhất cho văn hóa, con người mỗi ngành nghề. Vấn đề là làm thế nào để có nhiều tác phẩm hay viết về ngành nghề đó. Đồng thời, bản thân tác phẩm lại không bị bao phủ bởi cái bóng “ngành ca” vốn biệt lập với những đặc thù tính chất công việc riêng có.

Một hội diễn văn nghệ của ngành hay một công ty trong ngành mà không có bài về ngành nghề đó thì rõ ràng khó có thể xem là một hội diễn thành công về mặt nội dung. Nhưng nếu suốt hội diễn vang lên từ đầu đến cuối những bài hành khúc ca ngợi ngành nghề thì cũng là một hội diễn không thành công về mặt nghệ thuật.

Một bài hát dễ thể hiện cho những người không chuyên, để bất kỳ người lao động nào cũng có thể cất lên, ở trong căng-tin cơ quan, hay giữa khói bụi mịt mù và tiếng ì ầm của máy móc. Nhưng lại phải đảm bảo được những giá trị nghệ thuật đích thực. Hẳn đó là những yêu cầu không dễ thực hiện, cho dù là với những nhạc sĩ tài danh đã từng tham gia những chuyến đi tới giàn khoan ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S cũng như ở nước ngoài.

Để văn nghệ trở thành một hiện tượng của văn hóa dầu khí, cần có tâm huyết, sự nỗ lực lớn và lớn hơn nữa của ngành, đặc biệt cần có sự cộng hưởng của cảm xúc thực sự từ trái tim người cầm bút.

Thành Lê