(PetroTimes) - Ngày 15/5 tại tỉnh Phú Thọ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về công tác quản lý Khoa học công nghệ lần thứ nhất.
Dự và chỉ đạo Hội nghị, về phía Tập đoàn có Phó tổng giám đốc thường trực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tập đoàn - TS Nguyễn Quốc Thập. Tham dự Hội nghị còn có đại diện bộ phận quản lý khoa học công nghệ của đơn vị thành viên như Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, TCT Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), TCT Khí Việt Nam (PV Gas), TCT CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling)…
Toàn cảnh hội nghị
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, đồng chí Nguyễn Quốc Thập gửi lời chúc mừng tới những người hiện đang tham gia công tác quản lý, nghiên cứu lĩnh vực KHCN nhân ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5 sắp tới.
Năm nay, Tập đoàn lần đầu tiên tổ chức hội nghị về công tác quản lý KHCN và từ nay trở đi sẽ trở thành hội nghị thường niên.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập phát biểu chỉ đạo hội nghị
Đối với hội nghị lần thứ nhất này, lãnh đạo Tập đoàn muốn tạo lập một diễn đàn, một cơ hội cho những người làm công tác quản lý khoa học công nghệ trong toàn ngành được gặp gỡ, bàn thảo và trao đổi giữa những người làm công tác KHCN của Tập đoàn với các đơn vị thành viên, giữa các đơn vị thành viên với nhau; mục đích nhằm góp phần làm tốt hơn công việc của mình, để có sáng kiến hay, công nghệ tốt được chia sẻ cũng như những vấn đề vướng mắc được nêu ra và cùng tháo gỡ.
Hiện tại, để tư vấn cho lãnh đạo Tập đoàn về KHCN, Hội đồng KHCN Tập đoàn được thành lập với 5 tiểu ban chuyên ngành: thăm dò - khai thác, hóa - chế biến dầu khí, kinh tế - quản lý, an toàn-sức khỏe-môi trường, công nghệ-công trình.
Bộ phận tư vấn cho Lãnh đạo Tập đoàn về KHCN là Ban KHCN. Đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của Tập đoàn là Viện Dầu khí Việt Nam. Tại các đơn vị thành viên cũng có phòng ban theo dõi công tác KHCN, đối với các đơn vị lớn có thể có cả các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật (PVEP), thậm chí Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) còn có hẳn một Viện Nghiên cứu và thiết kế…
Báo cáo tổng quan về công tác quản lý khoa học công nghệ, ông Phạm Văn Huy, Phó trưởng ban KHCN Tập đoàn cho biết kết quả thực hiện nghiên cứu trong 5 năm gần đây. Cụ thể, năm 2014 lĩnh vực kinh tế-quản lý thực hiện 7 đề tài, E&P 10 đề tài, điện-khí 7 đề tài, an toàn-sức khỏe-môi trường 6 đề tài… với tổng kinh phí là 103 tỉ đồng.
Tại hội nghị, các đơn vị đã trình bày tham luận báo cáo công tác nghiên cứu KHCN và những khó khăn cần tháo gỡ của đơn vị mình.
Hội nghị đã thảo luận các vấn đề về tổ chức quản lý KHCN trong ngành như: Hiện nay mối liên kết KHCN ngành dọc giữa Tập đoàn và các đơn vị còn tương đối mờ nhạt vì trong bối cảnh kinh tế thị trường thì phần lớn các đơn vị là công ty cổ phần, độc lập về tài chính. Ban KHCN của Tập đoàn chỉ mới dừng lại ở việc phổ biến các văn bản pháp luật về KHCN và đôn đốc thực hiện, chưa có chế tài mạnh hoặc hỗ trợ về kinh phí cho các đơn vị khó khăn mặc dù nguồn vốn Quỹ Phát triển KHCN của Tập đoàn vẫn còn.
Ông Phạm Văn Huy, Phó trưởng ban KHCN Tập đoàn
Bên cạnh đó, công tác thông tin KHCN còn hạn chế: mặc dù các kết quả nghiên cứu do Tập đoàn đặt hàng cho VPI nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Dầu khí và trang web của Tập đoàn nhưng việc truy cập, tham khảo còn hạn chế. Các đơn vị thành viên ít biết đến những kết quả dẫn đến không tận dụng để áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị thành viên cũng không biết đến công tác NCKH và triển khai công nghệ của đơn vị bạn nên không phối kết hợp hoặc hỗ trợ nhau được.
Về việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN, do các quy định của nhà nước (Thông tư 15, Nghị định 95) cũng còn nhiều điểm chưa rõ ràng dẫn đến việc sử dụng còn vướng mắc. Mức trích quỹ tối thiểu 3% đối với ngành Dầu khí có thể là một con số rất lớn, không phù hợp hay việc không sử dụng quỹ này đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị nghiên cứu của mình.
Về cơ chế của Nghị định 115 (đơn vị nghiên cứu khoa học tự trang trải kinh phí thường xuyên): tạo áp lực, cán bộ năng động. Tuy nhiên lại mang tính “ăn đong”, cán bộ lo cơm áo gạo tiền khó tập trung cho nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu đầu tư dài hạn và xác xuất thành công thấp, rủi ro cao.
Luật Đấu thầu 2013 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) quy định phải đấu thầu cả các đề tài NCKH mà từ trước đến nay Tập đoàn vẫn giao cho Viện Dầu khí thực hiện như một đơn vị phụ thuộc. Đương nhiên, không thể giao đề tài NCKH cho một đơn vị nào trong ngành thực hiện (trừ PVMTC và PVU là 2 đơn vị phụ thuộc). Việc tháo gỡ (xin cơ chế đặc cách) cho đến nay không đạt kết quả như mong muốn.
Kết thúc hội nghị, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập đã tổng hợp lại các ý kiến thảo luận và đưa ra những đánh giá xác đáng trước những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ của các đơn vị.
Nhóm PV (Năng lượng Mới)