Ông TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia lĩnh vực đất – phân bón
Ông đánh giá thế nào về tình hình sử dụng phân bón, thuốc BVTV ở nước ta hiện nay?
- Phương thức canh tác của nông dân từ trước đến nay là lạm dụng nhiều phân hóa học, thuốc BVTV; biến môi trường và đất canh tác ngày càng xấu đi, áp lực sâu bệnh ngày càng trầm trọng.
Hiện tại ngành nông nghiệp tiêu tốn mỗi năm từ 10 – 12 triệu tấn phân hóa học với sự tồn tại hiện hữu của hơn 1.400 chủng loại phân có trong danh mục của Bộ NNPTNT. Không một quốc gia nào trên thế giới có được con số như vậy.
Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng đến năm 2013 đã lên tới 1.643 hoạt chất. Nếu tính đến năm 2018 thì còn nhiều hơn nữa. Trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… chỉ có khoảng 400 – 600 loại hoạt chất. Nhiều như Trung Quốc cũng chỉ có 630 loại. Vậy thì làm sao mà quản lý cho xuể?
Quản lý tốt việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV sẽ tăng uy tín cho nông sản Việt Nam (ảnh: Thanh long Việt Nam đang được nhiều nước nhập khẩu). Ảnh: T.L
Người ta vẫn thường nhắc đến các tiêu cực trong lĩnh vực này, quan điểm của ông thế nào?
- Lĩnh vực này vẫn luôn tồn tại nhiều tiêu cực và những lợi ích nhóm. Khi thực trạng còn chưa được giải quyết thì nông dân làm sao mà tránh khỏi cảnh mua nhầm phân bón, thuốc BVTV giả và kém chất lượng cho được.
Ngành nông nghiệp nước ta nên sớm có một “cuộc cách mạng” về chính sách và phương pháp quản lý một cách khoa học, hiệu quả. “Cuộc cách mạng” này không chỉ đem lại lợi nhuận cho nông dân mà còn có tác dụng, hiệu quả rất lớn cho môi trường ở nông thôn và uy tín cho nông sản Việt Nam để phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Ảnh: Nguyên Vỹ
Vậy ông có đề xuất gì để giải quyết vấn đề này?
- Tôi đề nghị ngành nông nghiệp phải sớm ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia các chủng loại phân bón, từ đó bãi bỏ các hình thức khảo nghiệm. Các hình thức này đã xảy ra với rất nhiều tiêu cực và lợi ích nhóm, không thực sự đóng góp cho công tác quản lý.
Khi đã làm tốt bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón cùng với một cuộc cải tổ công tác quản lý khoa học, tích cực, trách nhiệm thì tôi tin và hy vọng nông dân Việt Nam sẽ ít phải lo lắng về quốc nạn phân bón và thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Đâu là hướng đi cho thị trường phân bón sắp tới, thưa tiến sĩ?
- Mới đây, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị phát triển phân hữu cơ tại Việt Nam. Mục đích chính của hội nghị là để chuẩn bị cho sự chuyển đổi từ hình thức canh tác cây trồng quá lạm dụng, phụ thuộc vào phân hóa học sang hình thức canh tác nông nghiệp hữu cơ. Đây cũng là một hướng chuyển đổi tất yếu mà nông nghiệp Việt Nam phải sớm hành động...
Nhưng làm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam có thuận lợi?
- Bước chuyển đổi này vẫn còn nhiều tồn tại khá lớn cần giải quyết. Phương thức canh tác của nông dân từ trước đến nay là lạm dụng nhiều phân hóa học, thuốc BVTV, khiến môi trường và đất canh tác ngày càng xấu đi, áp lực sâu bệnh ngày càng trầm trọng. Như vậy, rất khó có thể tìm được một diện tích đất trồng trọt có đủ tiêu chuẩn sạch để thỏa mãn được các yêu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Sản lượng phân hữu cơ sản xuất trong nước còn quá nhỏ so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất, chỉ riêng việc cân đối bón phân giữa vô cơ và hữu cơ đã theo tỷ lệ 1:3 đã khó. Bởi tương ứng, nếu ngành trồng trọt sử dụng gần 12 triệu tấn phân hóa học mỗi năm thì phải cần đến 36 triệu tấn phân hữu cơ. Tính đến tháng 6.2017, các doanh nghiệp phân hữu cơ trong nước chỉ mới sản xuất được gần 3 triệu tấn.
Nhận thức về hiệu quả, ích lợi của nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam của đại bộ phận người dân hiện vẫn còn hạn chế. Chi phí cho việc công nhận nông sản hữu cơ của các tổ chức hữu cơ quốc tế còn quá cao. Trong nước cũng chưa có một tổ chức có tính pháp lý nào hướng dẫn quy trình canh tác nông nghiệp hữu cơ, xác nhận và xúc tiến thương mại nông sản hữu cơ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt