Nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về những kết quả đạt được trong năm 2017 và hướng đi của ngành nông nghiệp trong năm 2018.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2017 là năm mà ngành nông nghiệp nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành đã vượt qua tất cả để đạt được những thành tựu to lớn. Ông đánh giá như thế nào về kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2017?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm qua, ngành nông nghiệp triển khai các nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt trong khu vực và thế giới. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương và sự chung sức vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, sự đồng hành của các cơ quan truyền thông… đã tạo đồng thuận cao trong xã hội, thống nhất hành động trong toàn ngành nên ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, bố trí cơ cấu giống, cơ cấu sản xuất phát huy theo lợi thế của địa phương, vùng miền gắn với nhu cầu thị trường cũng như thích ứng với thời tiết; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ với các quy trình sản xuất tiên tiến; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khẩn trương khôi phục lại sản xuất sau thiên tai; tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm đã chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế trên thị trường khu vực.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khoảng 2,9% (gấp hơn 2 lần năm 2016). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 36,52 tỉ USD (vượt hơn 4 tỉ USD so với mục tiêu đề ra; tăng 4,2 tỉ USD so với năm 2016). Chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới cũng vượt mục tiêu đề ra, số liệu cập nhật đến 31-12-2017 đã có 3.067 xã (chiếm 34% xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (kế hoạch là 31%), có 44 huyện đạt nông thôn mới tăng 14 huyện so với năm 2016. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt gần 2.000 doanh nghiệp (tăng khoảng 20% mức bình quân của các năm trước đây). Tỷ lệ che phủ rừng đạt mục tiêu đề ra là 41,45%.

PV: Để đạt được những thành tựu đó, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo cụ thể như thế nào, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Xác định thị trường là khâu then chốt cho sản xuất nông nghiệp nên Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, chỉ đạo quyết liệt để phát triển thị trường. Thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng, điển hình như việc tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc cho xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo triển khai công tác

Trong năm 2017, hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân, xuất khẩu tăng mạnh (trừ mặt hàng thịt lợn 9 tháng đầu năm tồn kho và mất giá). Nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao như: rau quả tăng 40,5%, cao su tăng 35,6%, gạo tăng 23,2%, điều tăng 23,8%, tôm tăng 22,3%, đồ gỗ và lâm sản cũng tăng 9,2%... Ngành nông nghiệp vẫn duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỉ USD/năm, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm.

Các hình thức tổ chức sản xuất liên tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty nông lâm nghiệp tiếp tục được sắp xếp, chuyển đổi hoạt động hiệu quả hơn. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều. Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, thực hiện quyết liệt sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và các lĩnh vực này ngày càng được chú trọng phát triển. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi chính và đã đạt được những thành công rõ rệt.

Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Năm 2017, Bộ NN&PTNT tiếp tục chọn là “năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm”. Bộ đã tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề căn cơ của công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông sản, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và chương trình “nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho thế giới”. Công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản được tăng cường. Đã kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong chăn nuôi. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, điển hình là các vụ bơm tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho lợn, sử dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp; công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai được quan tâm, từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực; vốn đầu tư công được quản lý chặt chẽ. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành nên vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ và nghiêm minh.

PV: Năm 2017 được coi là một năm thành công của ngành nông nghiệp, vậy mục tiêu phát triển ngành trong năm 2018 như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 của cả nước và của ngành. Bộ NN&PTNT xác định, bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đó, một số chỉ tiêu, kế hoạch chính của ngành trong năm 2018 được xác định là: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8-3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 38-40 tỉ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành xác định: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, triển khai ngay từ đầu năm Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cơ cấu ngành, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ hơn với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu. Coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác. Nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường thể chế, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, rà soát tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiến tạo và hành động quyết liệt, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả hơn và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 36,37 tỉ USD (tăng 4,19 tỉ USD); thặng dư thương mại ước đạt 8,55 tỉ USD (tăng khoảng 1,1 tỉ USD so với năm 2016). Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,96 tỉ USD; thủy sản ước đạt 8,32 tỉ USD; đồ gỗ và lâm sản ước đạt 8 tỉ USD.

Hương Lan - Thiên Minh (Petrotimes)