Thoái vốn khỏi các lĩnh vực khu vực Nhà nước không cần trực tiếp tham gia hay các lĩnh vực không phải cốt lõi mà Tổng công ty, Tập đoàn đang đầu tư là chủ trương xuyên suốt thời gian qua.
Như tại PVN, theo văn bản phê duyệt thoái vốn do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký tuần trước, chỉ có 8 công ty được giữ nguyên tỷ lệ sở hữu hiện tại. Hàng loạt doanh nghiệp khác "lọt" danh sách thoái vốn trong giai đoạn 2017-2020.
Dự kiến ngay trong quý III này, PVN sẽ phải chuyển giao vốn tại PVcomBank, cơ cấu lại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí trước khi cổ phần hoá. Trong năm 2017, PVI, Cảng Phước An, Đông Dương Xanh sẽ là những doanh nghiệp mà PVN sẽ rút hết cổ phần. Hai doanh nghiệp phân bón Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) cũng sẽ được bán đi một phần.
Hậu thoái vốn, PVN sẽ thu về một lượng tiền lớn sau đầu tư, nhất là với những khoản đầu tư hiệu quả cao. Tuy nhiên, nhiều công ty con, công ty liên kết của PVN đang là những con gà "đẻ" trứng vàng, chi trả lượng lớn cổ tức hàng năm. Mà lớn nhất chính là PV GAS, một doanh nghiệp niêm yết top đầu trên sàn chứng khoán, nhiều năm đứng đầu về EPS. Dự kiến, PVN sẽ phải "chia tay" gần 32% vốn của doanh nghiệp này trong năm 2018, qua đó đưa tỷ lệ sở hữu về 65%.
Tất nhiên, ngoài những doanh nghiệp tốt, PVN cũng đang nắm trong tay doanh nghiệp vô cùng khó khăn sau dự án đầu tư không thành. PVTex hay Công ty TNHH 1TV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất – DQS cũng nằm trong danh sách thoái vốn 2017-2020 nhưng chưa xác định được thời gian.
Cùng NDH nhìn lại lộ trình thoái vốn tại PVN cùng "đàn gà đẻ trứng vàng" của lá cờ đầu trong khu vực doanh nghiệp nhà nước này.