Tiếp đà hồi phục từ đầu năm, doanh nghiệp chuyển biến khởi sắc
Năm 2017, thị trường phân bón được dự báo sẽ tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ khi tình hình thời tiết và thổ nhưỡng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Theo báo cáo của Agrimonitor, tiêu thụ phân bón nội địa của Ure và NPK dự báo lần lượt tăng 2,15% và 5,33%.
Trên thị trường giá cả các loại phân bón Ure, DAP đã có dấu hiệu tăng trở lại sau một thời kỳ giảm dài. Theo thống kê từ FAO, bình quân giá phân bón Ure thế giới đã tăng đến 10% so với mức đầu năm.
Trong nước, giá chào bán Ure hiện tăng bình quân khoảng 15% từ đầu năm đến cuối tháng 6 và bước vào giai đoạn chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo vệ môi trường tại Trung Quốc khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất hoạt động dẫn đến nguồn cung phân bón Ure trong vụ Đông Xuân bị khan hiếm.
Với những tín hiệu tích cực, doanh nghiệp phân bón trong quý III/2017 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Theo thống kê của NDH, trong quý III/2017, tổng doanh thu của 12 doanh nghiệp phân bón trên sàn đạt 8.727 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt gần 330 tỷ đồng, tăng trưởng 14%. Trong đó, có 6 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng và 6 doanh nghiệp báo lãi giảm.Đáng chú ý nhất là CTCP DAP - VINACHEM (UPCoM: DDV). Trong kỳ vừa qua, đơn vị này đã có lãi sau 6 quý chìm trong thua lỗ. Quý III, DDV đạt doanh thu thuần 449 tỷ đồng, tăng trưởng 71% và có lãi ròng hơn 8,4 tỷ đồng. Dù vậy, lũy kế 9 tháng DDV vẫn đang lỗ ròng hơn 32 tỷ đồng.
KQKD của doanh nghiệp phân bón quý III/2017 (Đvt: tỷ đồng)
Với ba “ông lớn” doanh thu ngàn tỷ trong ngành phân bón, kết quả rất khác nhau. CTCP Phân Bón Dầu Khí Cà Mau (HOSE: DCM) đạt được những kết quả khởi sắc khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng trưởng 35% và 16% đạt 1.158 tỷ đồng và gần 34 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng CTCP Phân Bón & Hóa Chất Dầu Khí (HOSE: DPM) và CTCP Phân Bón Bình Điền (HOSE: BFC) mặc dù doanh thu thuần tăng nhưng lãi ròng lại sụt giảm.
Với DPM, đơn vị này ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16%, đạt 2.113 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế giảm gần 33% xuống chỉ còn hơn 141 tỷ đồng do giá vốn hàng bán và các chi phí tăng mạnh. Chung số phận, CTCP Phân Bón Bình Điền (HOSE: BFC) cũng đạt doanh thu thuần 1.555 tỷ đồng, tăng 6%, nhưng lợi nhuận ròng giảm 13% xuống còn hơn 72,3 tỷ đồng.
“Quán quân” sụt giảm lợi nhuận trong kỳ là CTCP Phân Bón và Hóa Chất Dầu Khí Tây Nam Bộ (HNX: PSW). Quý III đơn vị này ghi nhận doanh thu tăng 14% lên mức 540 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng vẫn giảm tới gần 59% xuống chỉ còn gần 4 tỷ đồng.
Mặc dù, vẫn còn đó những doanh nghiệp chưa thoát khỏi bức tranh ảm đạm, tuy nhiên nhìn chung ngành phân bón vẫn đang dần chuyển mình tốt hơn.
Tiếp tục kỳ vọng vào những chính sách mới
Cuối tháng 9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 về quản lý phân bón. Điểm nhấn chính của nghị định này là việc thắt chặt thị trường phân bón và áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP nhập khẩu.
Trước tình trạng dư thừa nguồn cung phân bón, việc siết chặt nguồn cung thông qua kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng là điều cần thiết. Theo đó, chỉ những sản phẩm phân bón đảm bảo chất lượng và có đặc điểm vượt trội mới được cấp phép. Việc thanh lọc ngành phân bón sẽ làm cô đọng nguồn cung và hướng đến việc đưa những sản phẩm chất lượng tới nông dân và thị trường.
Bên cạnh đó, Nghị định 108 cũng đề cập đến việc áp thuế tự vệ cho sản phẩm DAP/MAP nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ bảo vệ cho ngành sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong nguồn cung. Trong đó, DDV - đơn vị sản xuất DAP sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp nhất.
Một đề xuất khác cũng được kỳ vọng mang đến mang đến nét “tươi mới” cho ngành phân bón được nhắc nhiều trong thời gian qua là đề xuất chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế thành mặt hàng được hưởng thuế suất 0%.
Nếu đề xuất được Quốc Hội thông qua, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có thể hoàn thuế VAT đầu vào (nếu ở diện không chịu thuế, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế), dẫn đến tiết giảm được chi phí sản xuất, từ đấy cải thiện được kết quả hoạt động kinh doanh.
Theo một báo cáo của CTCK VCBS, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế VAT 10% chiếm hơn 50% giá vốn sẽ chịu ảnh hưởng nhất định như BFC, DCM, DPM…
CTCK FPTS cho rằng trong bối cảnh tình hình hoạt động khó khăn của nhiều doanh nghiệp phân bón như hiện nay (trong đó có các dự án của Nhà nước) thì vấn đề thuế VAT sẽ được Quốc hội sớm đưa vào chương trình họp của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (khoảng đầu tháng 12/2017). Theo đó, kỳ vọng sau 1 năm vấn đề thuế VAT sẽ có quyết định chính thức.
Theo NDH