Trong giai đoạn 2011-2015, công tác tài chính nói chung và công tác thu xếp vốn cho đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đạt được những kết quả tích cực. Bước sang giai đoạn 2016-2020 với bối cảnh mới phức tạp và khó khăn, PVN đang rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành để thực hiện vai trò, nhiệm vụ quan trọng của mình đối với nền kinh tế.
Thu xếp vốn bảo đảm tài chính
Là tập đoàn kinh tế chủ lực của Nhà nước, PVN nhiều năm qua đã sản xuất kinh doanh hiệu quả và nộp ngân sách Nhà nước vượt so với kế hoạch được giao.
Theo báo cáo tài chính của PVN, nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển dựa trên cơ sở hai nguồn chính là vốn chủ sở hữu và vốn vay.
Trong giai đoạn 2011-2015, tài sản, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đã được bảo toàn và phát triển tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tài chính của Công ty Mẹ nói riêng và cả Tập đoàn nói chung để tập trung cho công tác đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn. Vốn chủ sở hữu hợp nhất đến tháng 12-2015 tăng khoảng 85% so với thời điểm tháng 1-2011, tốc độ tăng vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn là 13%/năm.
Được biết, trong 197,8 nghìn tỉ đồng vốn chủ tăng trong giai đoạn 2011-2015, tăng từ lợi nhuận hằng năm của PVN sau khi đã trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và phần lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước là khoảng 160 nghìn tỉ đồng (chiếm 81%), tăng từ nguồn vốn được để lại hằng năm từ phần lãi nước chủ nhà được chia từ Liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng dầu khí là khoảng 34,7 tỉ đồng (chiếm 18%). Ngoài ra, vốn chủ của Tập đoàn còn tăng từ các nguồn khác và thoái vốn tại các đơn vị thành viên là khoảng 10,9 nghìn tỉ đồng (chiếm 6%).
Đối với vốn vay, công tác thu xếp vốn cho các dự án đầu tư của Tập đoàn đã được thực hiện theo hướng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Bốn hình thức huy động vốn vay mà Tập đoàn đang áp dụng bao gồm: Vay tín dụng xuất khẩu trên cơ sở nguồn gốc thiết bị nhập khẩu cho dự án (ECA), đây là hình thức vay hỗ trợ việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của các nước phát triển, do đó thời hạn vay dài và lãi suất vay rất cạnh tranh; Vay thương mại trong và ngoài nước - Tập đoàn thực hiện để triển khai các dự án không thu xếp được vốn vay ECA hoặc thu xếp không đủ và đây cũng là hình thức vay được Tập đoàn và các đơn vị thành viên thường áp dụng; Vay ưu đãi từ Chính phủ thông qua các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với các dự án đặc thù như Dự án Đạm Cà Mau (180 triệu USD); Vay nước ngoài theo hình thức tài trợ dự án (Project Financing), đây là hình thức vay phần lớn dựa trên dòng tiền của dự án, Chính phủ không cấp bảo lãnh trả nợ vay, không làm tăng nợ công của Việt Nam.
Hiện nay, PVN đã xây dựng và thực hiện đầy đủ các quy chế quản lý nội bộ về quản lý tài chính, quy chế cấp vốn, quản lý và sử dụng vốn đầu tư đảm bảo vốn đầu tư cho dự án được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành và sử dụng có hiệu quả.
Công tác tập trung nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính của PVN đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đó là hoàn thành việc bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án đầu tư phát triển theo Kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành 114 công trình, khởi công mới 23 công trình, đưa 30 mỏ/công trình dầu khí mới vào khai thác cả ở trong và ngoài nước. Thu xếp, bố trí đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết về vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho quá trình tái sản xuất của Tập đoàn được tiến hành thường xuyên, liên tục, tạo ra sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận.
Trong giai đoạn này, các chỉ số về cơ cấu vốn của PVN đều thể hiện sự phát triển tích cực. Hệ số bảo toàn vốn chủ đạt mức 1,1-1,2 lần. Hệ số tự tài trợ tăng dần cho thấy Tập đoàn đã tăng vốn tự có so với tổng nguồn vốn, tăng tính độc lập với các chủ nợ, bớt sức ép của các khoản vay; các chỉ số về hiệu quả kinh tế đều hoàn thành tốt và có sự tăng trưởng ổn định. Hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ, đảm bảo việc cân đối giữa vốn chủ sở hữu với vốn vay.
Những trở ngại và kiến nghị
Căn cứ vào mục tiêu của Chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt và Đề án tái cơ cấu PVN, dự kiến tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của PVN trong giai đoạn 2016-2020 là 782.902 tỉ đồng, phân chia theo 5 lĩnh vực kinh doanh chính, cao gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Mặc dù đến nay PVN đã tích tụ, tập trung được một số nguồn lực tài chính, tuy nhiên, đã xuất hiện một số khó khăn trong việc thu xếp vốn, cân đối tài chính của Tập đoàn cũng như các đơn vị trong Tập đoàn.
Những khó khăn do thay đổi chính sách gồm có: Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11-7-2013 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ra đời và từ 1-7-2015 Luật Quản lý và Sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực đã điều tiết thu gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế của PVN; không tiếp tục trích lập Quỹ Dự phòng tài chính, tỷ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà được để lại giảm nhiều so với quy định tại Nghị định 142/2007/NĐ-CP; Quỹ Đầu tư phát triển chỉ được sử dụng cho mục đích tăng vốn.
Khó khăn do giá dầu thô suy giảm sâu và kéo dài 115-112USD/thùng xuống trên dưới 35USD/thùng đã tác động hết sức tiêu cực, làm giảm mạnh giá trị sản xuất kinh doanh và nguồn thu của PVN.
Bên cạnh đó, sự can thiệp của nước ngoài trên Biển Đông đã ảnh hưởng tới tiến độ các dự án, ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn, cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của PVN; điều kiện triển khai các dự án dầu khí ngày càng phức tạp, chi phí tăng cao, việc vay vốn thương mại rất khó khăn. Mặt khác biến động lãi suất, biến động tỷ giá cũng là những khó khăn không nhỏ cho công tác thu xếp vốn; vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài của PVN gặp nhiều khó khăn do các quy định hiện hành chưa đồng bộ và thống nhất. Việc PVN tiếp nhận 5 dự án điện than có vốn đầu tư lớn; các đơn vị và dự án tiếp nhận từ Vinashin về còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Tập đoàn còn phải phân bổ vốn để thực hiện các dự án an ninh, quốc phòng.
Nguồn vốn hiện có của PVN là do tích tụ từ các năm trước đây, nhưng nay với những chính sách kinh tế mới, tình hình thị trường trong nước và quốc tế có nhiều biến động bất lợi, nguồn thu của Tập đoàn đang giảm sút mạnh. Các dự án trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò có nhu cầu vốn lớn nhưng rủi ro cao, vì vậy chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn chủ. Các dự án điện than có vốn đầu tư lớn, cơ chế giá điện hiện tại chưa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn.
Dự báo trong những năm tới nguồn vốn của PVN bị thiếu hụt nghiêm trọng, từ 2017 đến cuối năm 2020 thiếu khoảng 70 nghìn tỉ đồng.
Để đảm bảo cân đối đủ nguồn tài chính cho đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh doanh của PVN trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đã đề ra những nhiệm vụ và các nhóm giải pháp trọng tâm về quản trị doanh nghiệp, về tài chính, đầu tư, thị trường, về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về khoa học công nghệ, an toàn, môi trường và phát triển bền vững, về an ninh - quốc phòng - đối ngoại trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, PVN đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành về mặt chính sách. Do lợi nhuận của Tập đoàn phần lớn được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Nghị định 71/2013/NĐ-CP, trong khi nguồn vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế là một trong những nguồn quan trọng cho đầu tư phát triển của Tập đoàn.
PVN cần có một cơ chế tài chính đặc biệt nhằm nâng tỷ lệ trích lập Quỹ Tìm kiếm thăm dò hằng năm từ 10% lên 30% lợi nhuận sau thuế, áp dụng trích lập Quỹ Tìm kiếm thăm dò cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (nếu được tăng tỷ lệ lên 30% thì nguồn quỹ này sẽ tăng lên khoảng 30.000 tỉ đồng); Điều chỉnh giảm 50% mức thu Quỹ Hỗ trợ sản xuất phát triển doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế (nếu được giảm thì nguồn vốn tăng lên khoảng 40.000 tỉ đồng); Cho phép giữ lại Quỹ Hỗ trợ sản xuất phát triển doanh nghiệp từ nguồn thoái vốn, cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ, sử dụng cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần tạo thêm điều kiện thuận lợi về pháp lý cho các nhà đầu tư tham gia Hợp đồng dầu khí ở khâu thượng nguồn cũng như đầu tư trực tiếp vào các công trình dầu khí thuộc khâu trung nguồn và hạ nguồn để PVN có thể tăng cường thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào ngành Dầu khí và đầu tư ra nước ngoài.
Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn: Năng lượng Mới số 499