Theo GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Chủ tịch HĐQT - nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam), phải nhìn nhận một thực tế rằng, Petrovietnam trong quá trình phát triển cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó cái khó lớn nhất là chưa có được một cơ chế quản lý điều hành phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của Tập đoàn. Ông cho rằng, cho đến nay Petrovietnam không được quản lý theo mô hình một doanh nghiệp thật sự, như mô hình của Petronas (Malaysia) hay PTT (Thái Lan)… trong khi đây là hai tập đoàn dầu khí nhà nước giống như Petrovietnam nhưng cách thức vận hành rất khác. Nói một cách thẳng thắn là Petrovietnam chưa có quyền tự chủ thật sự nên rất khó, rất lúng túng trong công tác quản trị doanh nghiệp.
Người lao động của Vietsovpetro làm việc trên giàn khoan. Ảnh: Cấn Dũng
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng kể rằng, khi Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư và thu xếp vốn để làm đường ống dẫn khí Bạch Hổ - Bà Rịa, ngay từ đầu dự án cần ngay khoảng 30 triệu USD, chưa biết vay ở đâu. Do có quan hệ thân thiết, ông liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn Petronas đề nghị hỗ trợ. Đích thân ông Hasan Marican - Phó tổng giám đốc Tài chính Petronas (về sau là Tổng giám đốc Petronas) bay sang Hà Nội ngay. “Sau khi tôi đặt vấn đề, anh Hasan Marican nói, chúng tôi không phải là công ty tài chính nên không thể cho PV (tên viết tắt Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam) vay được. Nhưng tôi có sáng kiến để PV vẫn “vay” được tiền của Petronas mà không phạm luật”, ông Hồ Sĩ Thoảng nhớ lại.
Điều kiện mà Phó tổng giám đốc Hasan Marican đưa ra với PV là: PV ký cam kết sẽ bán dầu mỏ Đại Hùng (lúc đó chưa khai thác) cho Petronas. Petronas tạm ứng tiền cho PV. Đến khi mỏ Đại Hùng đi vào khai thác (cuối năm 1994) PV gửi thư xin lỗi vì thiếu dầu nên không bán cho Petronas được và xin hoàn lại tiền tạm ứng, lãi suất sẽ là Libor + 0%. Như vậy, chỉ trong 5 phút, hai bên thỏa thuận xong việc PV “vay” 30 triệu USD của Petronas với lãi suất không thể tốt hơn được nữa. Thế nhưng, về phía ta, hình như hơn cả tháng trời, PV mới được phép thực hiện việc vay tiền đó. “Nói chung, chúng tôi rất thụ động, quyền tự chủ quá eo hẹp, không thể so sánh với các tập đoàn dầu khí nhà nước khác được”, ông Hồ Sĩ Thoảng nhớ lại.
Thực tế, có thể nói, Petrovietnam không phải là một doanh nghiệp Nhà nước, mà chỉ là một tổ chức làm kinh tế của Nhà nước nên rất nhiều bất cập trong công tác quản trị và điều hành, không có quyền tự chủ, tự quyết, nên để mất và chậm nhiều cơ hội. Nhưng có lẽ đây cũng là cái khó chung của tất cả các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chứ không riêng gì Petrovietnam, mặc dù cũng phải thấy Petrovietnam là doanh nghiệp đặc thù.
TS Trần Du Lịch thì cho rằng: “Xét về kinh nghiệm tổ chức điều hành của các tổng công ty 91 hay tập đoàn kinh doanh tôi đã lần nhiều lần đề xuất, đối với những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ở một số ngành then chốt, đặc thù như Petrovietnam nên tiến tới xây dựng cơ chế tự chủ và điều lệ hoạt động của nó phải là đạo luật như mô hình một số nước đã làm. Phải có đạo luật riêng cho tập đoàn đó. Như mô hình Tập đoàn Petronas (Malaysia), Tập đoàn PTT (Thái Lan) hay Tập đoàn Telstra (Tập đoàn Viễn thông hàng đầu của Australia) sau này cổ phần hóa”.
Cái khó nữa của Petrovietnam là công nghiệp dầu khí là một ngành kinh tế rất đặc thù, bởi rủi ro rất cao, phải đầu tư mạo hiểm. Thực tế là trong tìm kiếm dầu khí thì khoan thăm dò 10 giếng may ra thành công 2-3 giếng, thất bại 7-8 giếng là chuyện thường. Dẫn chứng là Công ty Shell, một tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới với hàng trăm năm kinh nghiệm mà vẫn chịu thất bại ở Việt Nam sau khi khoan mấy giếng ở Lô số 10, tốn trên trăm triệu USD chẳng tìm thấy gì, phải bỏ hợp đồng.
Chi phí cho giếng khoan thường khá cao, rủi ro nhiều, các công ty dầu khí đôi khi phải chịu lỗ tạm thời, trong khi Nhà nước ta yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi nào làm ăn cũng phải có lãi, thậm chí còn đòi hỏi lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước. Theo ông Hồ Sĩ Thoảng, như thế thì rất khó cho doanh nghiệp. Rồi với yêu cầu phải nộp phần lớn lợi nhuận về Nhà nước, cho đến nay Petrovietnam vẫn chưa được thành lập quỹ thăm dò khai thác.
Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro. Ảnh: Cấn Dũng
Đồng quan điểm với GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, TS Nguyễn Xuân Thắng - Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, điều mà các thế hệ lãnh đạo dầu khí đã trăn trở, kiến nghị nhiều lần lên cấp trên nhưng vẫn chưa nhận được chấp thuận việc thành lập quỹ thăm dò khai thác.
TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây cũng là lúc Petrovietnam nhìn lại chính mình và tìm ra giải pháp quản trị doanh nghiệp hiệu quả, tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Theo ông Thắng, thứ nhất, Petrovietnam cần lập một số ủy ban thuộc Hội đồng Thành viên để quản trị rủi ro về nhân lực, về đầu tư và chiến lược công nghệ… Thứ hai, công tác quản trị cần phân định rõ ràng ở 3 cấp độ: Hội đồng Thành viên, Kiểm soát viên và Ban Tổng giám đốc.
Ở cấp độ vĩ mô, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, cùng với việc tăng quyền tự chủ cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì Nhà nước phải có cơ chế và công cụ giám sát chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả để tự chủ mà không lạm quyền dẫn đến tiêu cực gây thất thoát, tham nhũng như trường hợp của Vinashin và Vinalines…
TS Thắng cho rằng, bên cạnh việc nên lập quỹ thăm dò khai thác thì Nhà nước cần tạo cơ chế để Petrovietnam thành lập quỹ bình ổn về giá dầu (giá dầu lên thì trích một phần lợi nhuận để nộp quỹ, còn khi giá dầu xuống thì trích từ quỹ bình ổn bù vào). Giá dầu hiện nay vẫn thấp, Petrovietnam vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng có thời kỳ cuối thập niên 90 thế kỷ XX giá dầu xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 9-10USD/thùng. Dĩ nhiên thời giá lúc đó khác bây giờ nhiều.
Hiện nay cả Tập đoàn đều khó khăn, nhất là những đơn vị làm dịch vụ kỹ thuật và các công ty ở lĩnh vực Upstream. Nhưng tin rằng, rồi khó khăn và thử thách cũng qua đi, phải tìm giải pháp thích nghi để tồn tại trong giai đoạn khó khăn này và phát triển mạnh khi giá dầu phục hồi.
Thanh Thanh (Petrotimes)