Giữa năm 2016, Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc có thêm 1 triệu tấn dầu sẽ mang lại cho ngân sách khoản thu khoảng 350 triệu USD. Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu của Chính phủ, Petrovietnam sẽ phải rất nỗ lực và có nhiều giải pháp quan trọng.
  
Thử thách cam go

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Petrovietnam khai thác được khoảng 16 triệu tấn dầu thô. Để có thể khai thác thêm 1 triệu tấn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống, không chỉ là sự quyết tâm, huy động tối đa nhân lực, vật lực, nâng cao công suất khai thác, mà còn phải tối ưu hóa tất cả mọi dây chuyền liên quan.

Và rất không đơn giản như nhiều người lầm tưởng là chỉ cần “hút mạnh lên” là có dầu, bởi lẽ, mỗi giếng dầu, khai thác nhiều ít thế nào là phải có một sự tính toán cực kỳ khoa học và hoàn toàn không thể “thích nhiều hay ít”.


Giàn CNTT số 3 tại mỏ Bạch Hổ 

Petrovietnam phải có những giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu lớn đến như vậy?

Qua trao đổi, một số cán bộ lâu năm trong ngành Dầu khí cho rằng, kế hoạch này là thách thức quá lớn, bởi hiện nay, đa số các mỏ dầu khí trong nước đang ở giai đoạn khai thác suy giảm tự nhiên. Nhiều mỏ đang trong tình trạng ngập nước, rất khó đạt sản lượng, dù phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật phức tạp và tốn kém. Nếu cứ khai thác “bằng mọi giá” có thể dẫn đến nguy cơ sập mỏ hoặc ngập nước hoặc chất lượng dầu không đảm bảo. Ngoài ra, số lượng công trình mới năm sau đưa vào khai thác ít hơn so với các năm trước nên sản lượng khai thác dầu khí năm 2016 thấp hơn so với năm 2015 là điều không thể tránh khỏi.

Được biết, năm nay Petrovietnam chỉ có 3 mỏ mới đã và sẽ được đưa vào khai thác là mỏ Thiên Ưng, giàn RC-9 mỏ Rồng và mỏ Sư Tử Trắng pha 1.

Giá dầu giảm sâu từ cuối 2014 và tiếp tục ở mức thấp kéo dài đến nay đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của Petrovietnam. Tình hình tài chính, nguồn vốn đầu tư cho các dự án tìm kiếm thăm dò của các công ty dầu khí thế giới nói chung và của Petrovietnam cũng như các công ty dầu khí hoạt động ở Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, từ năm 2015 đến nay đã có nhiều công ty dầu khí trên thế giới lâm vào khủng hoảng, có nguy cơ phá sản. Hầu hết các công ty dầu khí trên thế giới đều phải cắt giảm đầu tư 15-30% so với những năm trước đây.

Tại Việt Nam, Petrovietnam và các công ty dầu khí nước ngoài vào khai thác trên thềm lục địa của ta cũng đã phải dừng, giãn một số dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí để đảm bảo cân đối nguồn tài chính.

Từ đầu năm đến hết tháng 9-2016, sản lượng khai thác dầu của Petrovietnam ước đạt 12,93 triệu tấn. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 9 tháng ước đạt 318 nghìn tỉ đồng, bằng 85% kế hoạch 9 tháng và 62% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) toàn Tập đoàn bằng 81% kế hoạch, trong khi giá dầu 9 tháng chỉ bằng 70% so với mức giá kế hoạch (42/60USD/thùng). Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn trong 9 tháng được xem là đạt kết quả tích cực hơn so với mức độ suy giảm giá dầu.

Tuy vậy, nhìn vào những con số này, 3 tháng của quý IV năm nay sẽ thật sự là một cuộc “chạy nước rút” đầy thử thách đối với Petrovietnam. Để khai thác thêm 1 triệu tấn dầu vào thời điểm này, chắc chắn cả hệ thống doanh nghiệp thuộc Petrovietnam phải vào cuộc với tinh thần của những “người lính ra trận”.

Những khó khăn mà Petrovietnam đang phải đối mặt là rất lớn. Giá dầu thấp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng đến nguồn lực của Tập đoàn trong năm 2015 và 9 tháng qua, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tìm kiếm thăm dò, gây khó khăn cho việc gia tăng sản lượng khai thác dầu khí trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Việc thu hút đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; công tác tìm kiếm thăm dò vùng nước sâu xa bờ còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi chi phí cao hơn so với trước đây, nguồn vốn và kinh nghiệm tìm kiếm thăm dò tại vùng nước sâu còn hạn chế, những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị dịch vụ dầu khí gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng công việc và giá dịch vụ giảm sâu.

Giải pháp quyết liệt

Ý thức đầy đủ về trách nhiệm của Petrovietnam đối với đất nước, mọi kết quả hoạt động của Tập đoàn đều ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách Nhà nước; trong bối cảnh đó, tập thể lãnh đạo và CBCNV trong toàn Tập đoàn đã tăng cường đoàn kết, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Petrovietnam đã tập trung xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 629/CTr- DKVN ngày 1-2-2016 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2016 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016.

Song song với việc phân công cụ thể trong ban lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo Tập đoàn thường xuyên tổ chức trực tiếp làm việc với từng nhà thầu dầu khí, từng đơn vị thành viên để chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào thực tiễn xây dựng chương trình hành động cụ thể của từng đơn vị; chỉ đạo người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm túc việc tiết giảm chi phí trong năm 2016. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị của đơn vị để hỗ trợ đơn vị vượt qua các khó khăn, ổn định sản xuất.

Petrovietnam và các đơn vị dịch vụ dầu khí đã phải triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm tối ưu chi phí tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí như: dừng, giãn một số giếng khoan, một số dự án phát triển khai thác có chi phí cao; đẩy mạnh khai thác tại những mỏ có chi phí, giá thành khai thác thấp để bù đắp sản lượng dầu khí thiếu hụt từ các mỏ dừng, giãn tiến độ.

Petrovietnam đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị dịch vụ tiếp tục giảm giá thành dịch vụ 10-15% so với giá thành 2015. Tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tối ưu thời gian và chi phí sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, sử dụng hiệu quả vật tư lưu kho…

Các đơn vị dịch vụ cũng đã góp phần tích cực vào nỗ lực chung của Tập đoàn để vượt qua giai đoạn giá dầu thấp. Nhiều đơn vị dịch vụ đã chấp nhận giá dịch vụ thấp hơn chi phí để Petrovietnam có thể tiếp tục triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp để tiếp tục duy trì sản lượng khai thác dầu khí của toàn ngành trong các năm tiếp theo.

Lãnh đạo Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã và đang thường xuyên, tích cực làm việc với các nhà điều hành dầu khí để yêu cầu thực hiện các biện pháp tối giản chi phí nhằm giảm giá thành dầu khai thác. Cùng với sự hỗ trợ của Petrovietnam, các nhà điều hành cũng chủ động tích cực đàm phán với các nhà thầu, đơn vị cung cấp dịch vụ để đàm phán giảm giá: đặc biệt là giá giàn khoan, giá tàu dịch vụ, tàu trực mỏ, tàu chứa dầu và giá máy bay trực thăng. Kết quả là tới nay đã thiết lập được mặt bằng giá mới của các dịch vụ, đảm bảo hiệu quả cho việc tiếp tục duy trì khai thác các mỏ dầu khí tại Việt Nam.

Để giảm thiểu tốc độ suy giảm tự nhiên, công tác quản lý mỏ được Petrovietnam quan tâm hàng đầu. Công tác kiểm điểm tình hình khai thác được Tập đoàn thực hiện thường xuyên với các nhà điều hành để đánh giá trình trạng của mỏ, đưa ra các giải pháp tối ưu khai thác nhằm nâng cao sản lượng khai thác ở một số mỏ tiềm năng, có chi phí khai thác thấp, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu an toàn mỏ, tránh gây ngập nước sớm.

Trong thời gian còn lại năm 2016, Petrovietnam tập trung lựa chọn và triển khai các giếng khoan tìm kiếm thăm dò thẩm lượng có tính khả thi cao, thực hiện rà soát tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến sản lượng khai thác dầu khí năm 2016 để có giải pháp ứng phó kịp thời. Rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành khai thác dầu khí. Cân đối sản lượng khai thác ở những lô/mỏ để đạt được mục tiêu khai thác dầu trong nước cả năm 2016.

Petrovietnam đang cố gắng phấn đấu đưa các công trình khai thác mới đi đúng và sớm hơn tiến độ cùng với việc tiếp tục khoan phát triển, đan dày tại các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Thỏ Trắng, Hải Thạch - Mộc Tinh, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Tê Giác Trắng... Đồng thời với thực hiện hiệu quả các giải pháp địa chất - kỹ thuật như xử lý vùng cận đáy giếng, khoan bắn mở thêm vỉa... cùng với công tác quản lý, tối ưu khai thác mỏ đạt hiệu quả cao, công tác sửa chữa bảo dưỡng được lập kế hoạch và thực hiện hợp lý đã giảm hẳn thời gian dừng sản xuất ở các mỏ.

Công trình RC-9 mỏ Rồng đã được đưa vào khai thác trong tháng 6, sớm hơn kế hoạch. Công tác phát triển mỏ vẫn đang được các nhà điều hành triển khai tích cực bám sát tiến độ đề ra. Trong 3 tháng cuối năm, dự kiến các công trình khai thác mỏ Thiên Ưng, Dự án Sư Tử Trắng pha 1 sẽ được đưa vào khai thác theo kế hoạch. Đây là kỳ vọng lớn để góp phần hoàn thành và vượt kế hoạch 1 triệu tấn dầu trong năm 2016 và sẽ đóng góp đáng kể sản lượng khai thác dầu khí trong năm 2017.

Dù sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh của “những người đi tìm lửa”, chắc chắn, người lao động dầu khí sẽ thực hiện được yêu cầu: Khai thác thêm 1 triệu tấn dầu.

Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn: Năng lượng Mới 560