Ngày 28/10 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ra Nghị quyết số 13-NQ/ĐU về tăng cường tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Tập đoàn.
Thực hành tiết kiệm hiệu quả
Ba mục tiêu cơ bản của Nghị quyết là, thực hiện công tác tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển của Tập đoàn bao gồm: nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành và tạo bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Tập đoàn về tăng cường tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trong sạch, có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Công nhân lao động ngành Dầu khí
Từ nhiều năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực luôn là chủ trương nhất quán và lâu dài của Đảng và Nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng luôn nhận thức được tầm quan trọng của công tác thực hành tiết kiệm, không đơn giản là tiết kiệm hành chính, còn là hợp lý hóa sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh…
Vì vậy, trên thực tế Tập đoàn đã ban hành các văn bản, nghị quyết phê duyệt mức tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; bằng nhiều biện pháp, hình thức nhằm tối ưu hóa sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật đã thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong toàn ngành. Kết quả trong 5 năm qua, toàn Tập đoàn đã làm lợi và tiết giảm trên 17.120 tỉ đồng. Tổng số sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp đơn vị trực thuộc có 1.482 sáng kiến đã làm lợi 5.426 triệu USD và 3626 tỉ VNĐ; cấp Tập đoàn có 30 sáng kiến đã làm lợi 23,95 triệu USD và 2.532 tỉ VNĐ.
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2015, chủ động rà soát tiết giảm chi phí ứng phó với bối cảnh giá dầu và khí giảm, toàn Tập đoàn đã tiết giảm được 60,4 nghìn tỉ đồng chi phí (trong đó: từ chi phí quản lý là 544 tỉ đồng; từ giảm giá dịch vụ là 5,95 nghìn tỉ đồng và từ cơ cấu lại nhiệm vụ là 53,9 nghìn tỉ đồng). Kết quả tiết giảm chi phí ở khối các đơn vị thăm dò khai thác dầu khí (VSP và PVEP, Biển Đông POC) với số tiết giảm đạt trên 15,65 nghìn tỉ đồng (trong đó từ tiết giảm chi phí quản lý và giảm giá dịch vụ là 5,49 nghìn tỉ đồng và tiết giảm do cơ cấu lại công việc là 10,16 nghìn tỉ đồng); khối các đơn vị sản xuất (PV Power, PVFCCo, PVCFC, BSR) tiết giảm đạt 43,98 nghìn tỉ đồng (chủ yếu từ mục chi phí giá nguyên/nhiên liệu giảm theo giá dầu); khối các đơn vị dịch vụ tiết giảm đạt 755 tỉ đồng.
Hành động trong bối cảnh mới
Có thể nói, trong 5 năm từ 2010 đến 2015, các đơn vị thành viên của Petrovietnam đã áp dụng rất nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả nhằm thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đây là những bài học kinh nghiệm quý giá sẽ tiếp tục được phát huy khi có động lực mới từ Nghị quyết 13.
Năng lượng Mới xin điểm lại một vài ví dụ về những bài học đó.
Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn xác định việc thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành là trách nhiệm tiên phong của người đứng đầu mỗi cấp ủy đảng, người đứng đầu của từng cơ quan, đơn vị. Nhiệm vụ cải cách hành chính được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, kiên quyết từ người lãnh đạo cao nhất đến toàn bộ mọi CBCNV, có chương trình và kế hoạch cụ thể để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động quản lý trong từng giai đoạn. Công ty Mẹ đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá, trong đó chú trọng giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực; chỉ đạo rà soát các quy chế, quy định, thủ tục, hợp lý hóa trình tự giải quyết công việc; tăng cường chỉ đạo việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, hệ thống quản lý cán bộ theo năng lực; chỉ đạo tích cực điện tử, tin học hóa các khâu trong quy trình xử lý công việc. Quy trình ra quyết định được thực hiện theo con đường ngắn nhất, gạt bỏ những trùng lặp, làm thay không cần thiết.
Tại Vietsovpetro, đã đầu tư nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường khai thác, tối ưu hóa hệ thống gaslift, các biện pháp tác động lên vùng cận đáy giếng để gia tăng sản lượng, thiết lập chế độ khai thác tối ưu, đảm bảo chế độ bơm ép nước phù hợp nhằm khai thác hiệu quả ở mức cao nhất các mỏ theo các sơ đồ công nghệ đã được phê duyệt; đã đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu địa chất, tổng hợp, đánh giá tiềm năng các khu vực; ứng dụng những công nghệ mới trong các lĩnh vực phân tích, tổng hợp và minh giải tài liệu địa chấn, địa vật lý giếng khoan để đánh giá, dự báo tiềm năng của khu vực mới để lựa chọn vị trí tối ưu cho các giếng khoan tìm kiếm thăm dò; nghiên cứu và áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu; tiếp tục nghiên cứu và triển khai công nghệ khai thác các mỏ nhỏ, mỏ cận biên, sử dụng các giàn nhẹ và công nghệ khai thác tối thiểu.
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn nổi bật với chương trình tối ưu hóa vận hành và tiết kiệm chi phí sản xuất, nghiên cứu các giải pháp tăng công suất tối đa với chi phí đầu tư tối thiểu; tối ưu hóa và chuẩn hóa các quy chế, quy trình đảm bảo công tác mua sắm, thương mại đúng luật và tiết kiệm; phát huy nguồn lực sẵn có để tiết giảm tối đa khoản chi phí dịch vụ thuê ngoài.
Với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, chống bệnh quan liêu, giấy tờ… đã tập trung vào 4 nhóm giải pháp đột phá và đồng bộ gồm giải pháp về tài chính phục vụ đầu tư phát triển; giải pháp về tổ chức quản lý doanh nghiệp; giải pháp về phát triển nguồn lực và giải pháp về KHCN.
Trong thời gian tới, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp do ảnh hưởng từ sự phục hồi kinh tế chậm của các nền kinh tế hàng đầu thế giới và đặc biệt là giá dầu giảm sâu, kéo dài, khó có dấu hiệu phục hồi nhanh do dư thừa nguồn cung về dầu thô trên thị trường thế giới, nguồn bổ sung từ Iran, dầu đá phiến từ Mỹ…; các yếu tố không thuận lợi này sẽ có những tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam và Petrovietnam cũng không nằm ngoài những tác động đó.
Trong bối cảnh mới này, Nghị quyết 13-NQ/ĐU với các nội dung và chương trình hành động cụ thể, đồng bộ triển khai trong toàn hệ thống chính trị của Tập đoàn và các đơn vị thành viên được coi là bước đi quan trọng tạo chuyển biến trong ý thức, trách nhiệm, hành động của cán bộ, đảng viên, công nhân viên lao động.
Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn:Năng lượng Mới 472