Tổng hợp từ nội dung các báo cáo sơ bộ về CMCN 4.0 của một số đơn vị trực thuộc PVN như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Phú Quốc POC, Đạm Cà Mau… TS Hoàng Thế Dũng, Phó trưởng ban Khoa học Công nghệ PVN đã đề xuất một phương pháp lập kế hoạch thích ứng thông qua việc xây dựng mẫu báo cáo chung dạng ma trận (Matrix).
Trong đó, khi phân tích “đánh giá hiện trạng” thích ứng, kết quả thực hiện đánh giá có thể là một trong các khả năng như “thích ứng, thích ứng một phần, chưa thích ứng”. Đối với “nhu cầu thích ứng” thể hiện mong muốn trong ngắn hạn của lãnh đạo đơn vị, có thể là “cần thiết, không cần thiết, chưa xác định”.
Cụm giàn khai thác Trung tâm phía nam mỏ Bạch Hổ
Có thể thấy rõ hơn về kế hoạch thích ứng này trong quá trình thực hiện dự án của Phú Quốc POC. Theo đó, ngay trong khi thiết kế, xây dựng dự án thì Phú Quốc POC đã đặt ra mục tiêu trang bị hệ thống giám sát và vận hành khai thác, phát triển mỏ. Đưa ra một số yêu cầu bắt buộc phù hợp với thực tế như hệ thống điều khiển từ xa (remote controle) và thời gian thực (realtime). Từ đó, việc Phú Quốc POC cần trang bị và thích ứng với công nghệ “truyền dẫn kết nối” với băng thông rộng mới có thể truyền số liệu và điều khiển quá trình từ trung tâm điều khiển trên bờ ra tới các giàn điều khiển trung tâm, đầu giếng…
TS. Hoàng Thế Dũng, Phó trưởng ban Khoa học Công nghệ PVN
Đồng thời Phú Quốc POC cũng cần thích ứng công nghệ “cảm biến” và công nghệ “kết nối tích hợp hệ thống” để lấy số liệu từ hệ thống thiết bị công nghệ khai thác, tất cả các số liệu về sản lượng khai thác, tham số địa chất dầu khí của mỏ đo được, số liệu về tham số kỹ thuật, trạng thái thiết bị công nghệ của hệ thống khai thác (tức là thực hiện số hóa)… cần được lưu trữ tập trung phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích phát triển mỏ. Từ đó, Phú Quốc POC cũng cần thêm cả sự thích ứng về các công nghệ điện toán đám mây (clound computing), cơ sở dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence)…
Về nguyên lý, mỗi một đơn vị có những nội dung thích ứng với CMCN 4.0 riêng, nhưng các đơn vị ở cùng một khâu sẽ có những nhu cầu và kế hoạch thích ứng đối với các công nghệ nền tảng có những điểm giống nhau. Nhưng nhìn chung, các đơn vị cần thực hiện mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp thông minh, xây dựng các hệ thống BI cùng với “big data” về sản xuất kinh doanh và dịch vụ nhằm hỗ trợ các cấp lãnh đạo trong việc ra quyết định, triển khai thực hiện “Văn phòng điện tử” (số hóa, lưu trữ tài liệu/số liệu tập trung và chia sẻ thông tin qua mạng, văn phòng không giấy, điện tử hóa quản trị văn phòng).
Mặt khác, các đơn vị có thể thích ứng CMCN 4.0 trong thực hiện tối ưu hóa và tiết giảm chi phí sản xuất như từng bước “số hóa” hệ thống sản xuất, cho phép theo dõi, giám sát chất lượng sản phẩm và tài sản trong “realtime”; Thực hiện kết nối, xây dựng “big data” và phân tích dữ liệu tình trạng thiết bị để cảnh báo sớm tình trạng hỏng hóc thiết bị, triển khai giải pháp “bảo trì tiên đoán” để tiết giảm chi phí bảo trì, giảm thời gian ngưng trễ, kéo dài tuổi thọ của tài sản…
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm: “PVN sẽ không đứng ngoài cuộc CMCN 4.0, tất cả các thành viên của Tập đoàn cần có tâm thế sẵn sàng và chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Cụ thể, PVN đã và đang thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua công tác đào tạo, công tác chuẩn hóa thích ứng với CMCN 4.0 như tổ chức các hội thảo về CMCN 4.0 trong các khâu của công nghiệp dầu khí để cập nhật kịp thời về thông tin áp dụng cho các đơn vị và PVN. Đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện dự án xây dựng chuẩn hóa mã vật tư, thiết bị trong toàn ngành, cài đặt trên hệ thống thông tin của PVN và kết nối trực tuyến áp dụng cho các đơn vị trong toàn ngành. Thực hiện dự án về nghiên cứu, lựa chọn và thống nhất hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối trong các hệ thống OT và giữa các hệ thống OT với IT để áp dụng trong ̣ từng khâu của lĩnh vực dầu khí.
Mặt khác, PVN cũng cần đầu tư khai thác tiềm năng của “big data”, “kết nối” và “Internet vạn vật”. Cụ thể gồm đẩy nhanh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dầu khí quốc gia, bao gồm các hệ thống các “big data” về dữ liệu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, mở rộng xây dựng, kết nối với các khâu còn lại.
Khẳng định vai trò của CMCN 4.0 tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN nhiệm kỳ 2017-2022, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định: “CMCN 4.0 là sự phát triển tất yếu của thế giới, có tác động, ảnh hưởng hết sức to lớn đến mọi mặt của đời sống, tự nhiên và xã hội của tất cả các quốc gia. Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để đổi mới phương thức sản xuất, quản lý, mở rộng sản xuất, khinh doanh và dịch vụ phát huy các lợi thế của cuộc cách mạng này. PVN sẽ không đứng ngoài cuộc cách mạng này, tất cả các thành viên của Tập đoàn cần có tâm thế sẵn sàng và chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Mục tiêu xây dựng kế hoạch thích ứng CMCN 4.0 đối với PVN là cần giải quyết những vấn đề lớn trong cơ chế, chủ trương và chính sách chung. Ngoài ra PVN cần thực hiện đầu tư áp dụng CMCN 4.0 đối với các dự án lớn, có quy mô ngành để tăng lợi ích tổng thể cho PVN và hỗ trợ các đơn vị.
Thành Công (Petrotimes)