Công nhân Công ty VinEco chăm sóc rau trong nhà kính theo công nghệ Israel. Ảnh: Quang Minh
Nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ số
Cuối năm 2017, trong một chuyến công tác vào vùng ĐBSCL, chúng tôi ghé thăm thánh địa “thanh long”- vùng chuyên canh công nghệ cao (CNC) thí điểm của tỉnh Long An ở ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành. HTX thanh long Tầm Vu do ông Trương Quang An làm Chủ tịch HĐQT có 60 ha sản xuất quả thanh long, sản lượng từ 40-50 tấn/ha, thị trường xuất khẩu chiếm tới 80%, chỉ 20% tiêu thụ trong nội địa. Nếu trước đây, trái thanh long Tầm Vu chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thì nay đã có mặt tại hàng chục thị trường khác từ khu vực và thế giới, đã đăng ký thương hiệu tại năm thị trường khó tính và được 4/5 quốc gia công nhận là Mỹ, Nhật, Singapore và Trung Quốc
Muốn vào được những thị trường khó tính với số lượng ngày càng nhiều quy trình sản xuất phải đạt tiêu chuẩn càng cao, nghĩa là phải làm nông nghiệp với công nghệ cao tích hợp nhiều tính năng tiên tiến từ việc gieo trồng, chăm bón, thu hoạch... theo quy chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu (Hà Lan) và theo đánh giá chung, nhờ vậy đã nâng cao được 20-30% giá trị khi chưa làm chuỗi.
Trước đó, vào cuối tháng 2-2016, Tập đoàn FPT cũng bắt tay với Tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản xây dựng trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu tại Hà Nội, nhằm giới thiệu kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ Akisai (công nghệ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp trên nền công nghệ điện toán đám mây). Bên trong khu vực nhà kính và nhà trồng rau của trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu, toàn bộ không khí, ánh sáng, dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng của các loại cây đều được quản lý và giám sát bằng máy tính. Ngoài ra, hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, CO2, lượng ánh sáng, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió... để từ đó có những điều chỉnh phù hợp điều kiện phát triển của cà chua và xà lách ít kali. Dựa trên kết quả phân tích, các máy làm mát hay kiểm soát ánh sáng đều được vận hành tự động, giúp duy trì môi trường sinh trưởng tối ưu cho xà lách và cà chua.
Tuy nhiên, xét trên nhiều tiêu chí đây chỉ là những điển hình về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chứ chưa phải là nền nông nghiệp số - một khái niệm đang là “mode” thời thượng trong đời sống kinh tế - xã hội của thế giới, khu vực và của cả nước ta hiện nay. Khác với nông nghiệp công nghệ cao đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, “nông nghiệp số” chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.
Tại Việt Nam đến thời điểm này, không khó để có thể bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố như nước, phân, thuốc, độ ẩm, ánh sáng và chuyển nó vào các thiết bị kết nối intenet như máy tính, điện thoại. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại. Thậm chí, như mô hình mà Tập đoàn FPT đang phối hợp triển khai tại Viện rau quả, chuyên gia sống tại Nhật cũng vẫn có thể kết nối và điều khiển được các yếu tố của trang trại rau tại Việt Nam. Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới. Con người không cần có mặt trực tiếp, thậm chí ở một số khâu robot sẽ thay thế con người, từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động. Trong điều kiện công nghệ ngày càng rẻ, có khá nhiều doanh nghiệp, nông dân quan tâm đến lĩnh vực này.
Bức tranh về nông nghiệp số sẽ là một quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc. Nhưng hiện nước ta vẫn chưa có một mô hình nào hoàn chỉnh.
Không làm theo phong trào
Phát biểu về nông nghiệp công nghệ số, cũng như định hướng nông nghiệp công nghệ số sẽ bắt đầu từ đâu, tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” do Trung ương Hội Nông dân tổ chức cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tóm lược trong một khái quát ý nghĩa nhưng mang đầy tính thực tiễn: Khoa học công nghệ là giải pháp bắt buộc nông dân phải ứng dụng, trong đó rất cần kết nối với doanh nghiệp, liên kết, gắn với thị trường để làm nông nghiệp 4.0. Chúng ta không nên quá tham vọng vào việc ứng dụng ngay mà trước hết hãy bắt đầu từ cơ giới hóa rộng rãi nông nghiệp, thay đổi nhận thức của nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc cần có hành động của những người làm nông nghiệp và sự hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong toàn ngành kinh doanh nông nghiệp, một nền nông nghiệp “thông minh”...
Tuy vậy, vấn đề đặt ra là đông đảo người dân, đặc biệt là nông dân (thậm chí doanh nhân) có biết, có hiểu gì về “nông nghiệp số”? Đi thực tế tại các địa phương, chúng tôi thường bắt gặp những ý kiến băn khoăn là “Đã nghe nói đến nông nghiệp 4.0, nhưng chưa thật sự hiểu đó là gì. Nó có gì khác so với nông nghiệp CNC mà chúng tôi đang áp dụng. Nếu áp dụng vào, nông nghiệp số sẽ tạo ra những bước đột phá như thế nào?”.
Trong hai năm 2016 - 2017, Trung ương Hội Nông dân đã tổ chức một số đoàn công tác đi nghiên cứu về sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và “nông nghiệp 4.0” nói riêng ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel... để tìm lời giải đáp. Qua các chuyến nghiên cứu như vậy, có thể thấy nông nghiệp số là sự kết hợp đồng bộ giữa công nghệ về giống; công nghệ chăm sóc gieo trồng, chăn nuôi; công nghệ tưới tiêu; công nghệ thu hoạch và bảo quản; công nghệ chế biến; công nghệ tự động hóa; công nghệ quản lý... Tất cả công nghệ nêu trên được tích hợp và điều khiển bởi công nghệ thông tin bằng các ứng dụng trên mạng Internet... Theo nhận định chung, “nông nghiệp số” ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới được hiểu là các hoạt động sản xuất nông nghiệp được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị. Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa về tất cả các đối tác và mọi quá trình sản xuất, giao dịch với đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet.
Tuy vậy, điểm chung nhất mà các chuyên gia kinh tế lưu ý và cảnh báo là: không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của các nước theo kiểu phong trào, cũng như không nhất thiết phải áp dụng tất cả công nghệ của cách mạng “nông nghiệp 4.0”, mà phải hài hòa và phù hợp đặc thù riêng của Việt Nam. Nếu cần phải đặt ra những tiêu chí cơ bản thì nông nghiệp số cần có ít nhất ba tiêu chí: cần hành lang pháp lý phục vụ cho người sản xuất (không phải dành cho người quản lý) minh bạch và dễ dàng tiếp cận; cơ sở hạ tầng tương thích với trình độ người sản xuất; cơ sở dữ liệu phù hợp với ngành hàng và thị trường.
Ngành kinh tế nông nghiệp Việt Nam đang tiến nhanh vào thị trường khu vực và thế giới với những bước nhanh, mạnh, điển hình là sự kiện năm 2017 xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt tới con số kỷ lục 36,37 tỷ USD. Nhưng chúng ta cũng đứng trước một thách thức lớn: phải đổi mới nền nông nghiệp mang tính gia công thủ công sang một nền nông nghiệp hiện đại tích hợp đủ những yêu cầu cao về công nghệ, số hóa. Lộ trình này là không thể thay đổi, nhưng cần tìm kiếm những yếu tố thích hợp với điều kiện của Việt Nam và chọn cho mình hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ số nhanh, nhưng bền vững và hiệu quả!
Theo Tâm Thời (nhandan.com.vn)