Cụ thể, trong 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7%; từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22%. Như vậy, sau 10 tháng cả nước đã xuất siêu 1,23 tỷ USD.
Đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu trong 10 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt cao nhất với kim ngạch 140,6 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 81% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương. Trong đó, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu (tăng 14 tỷ USD so với 10 tháng năm 2016).
Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện: đạt 36,5 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 8,18 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 5,86 tỷ USD.
Tiếp đến là nhóm sản phẩm dệt may, trong 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu hàng dệt, may đạt 21,5 tỷ USD, tăng 9,5%; trong đó, xuất khẩu xơ sợi là điểm sáng trong xuất khẩu hàng dệt may với kim ngạch đạt 2,92 tỷ USD, tăng 22,2%. Bên cạnh đó, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng đạt mức tăng trưởng cao với kim ngạch 6,19 tỷ USD, tăng 10,9%.
Trong 10 tháng qua, nhóm hàng nông sản, thủy sản tiếp tục có mức tăng trưởng cao với kim ngạch xuất khẩu đạt 21,3 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 17,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng xuất khẩu thủy sản đạt 6,79 tỷ USD, tăng 18,7% và là mức tăng trưởng cao của ngành thủy sản. Mặc dù tăng trưởng tốt nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành thủy sản đang phải gặp khó khăn đó là: xu hướng bảo hộ tại Hoa Kỳ thông qua rào cản kỹ thuật thương mại và biện pháp phòng vệ thương mại, hay hiện tượng truyền thông bôi nhọ tại EU, gây bất lợi cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiềm năng tuy tăng trưởng mạnh nhưng chưa ổn định do tỷ phần lớn được xuất qua kênh tiểu ngạch. Ngoài ra, giá nguyên liệu cá tra và tôm trong nước tăng làm giá thành sản xuất cao, kém cạnh tranh so với các đối thủ khác. Đặc biệt, chất lượng thủy sản xuất khẩu vẫn bị cảnh báo.
Đối với gạo – một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 10 tháng qua cũng đạt kết quả khả quan khi xuất khẩu được 5 triệu tấn với kim ngạch 2,23 tỷ USD, tăng 21,6% về khối lượng và tăng 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2017, xuất khẩu của nhóm nhiên liệu khoáng sản cũng có sự thay đổi tích cực khi đạt 3,6 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của cả 4 mặt hàng than đá, dầu thô, xăng dầu, quặng và khoáng sản khác đều đạt mức tăng trưởng dương.
Về thị trường xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu chính có mức tăng tương đối mạnh, thị trường châu Á là thị trường truyền thống, ước xuất khẩu 10 tháng đầu năm có mức tăng khá với cùng kỳ năm 2016 (tăng 28,9%), chiếm tỷ trọng 51,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ.
Thị trường châu Âu có mức tăng 15,1%, trong đó EU tăng 15,7%; thị trường châu Mỹ tăng 12,3%, chiếm tỷ trọng 24,6%; thị trường châu Phi giảm 0,9%, chiếm tỷ trọng 1%; thị trường châu Đại Dương tăng 18,1%, chiếm tỷ trọng 1,8%.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, với mức tăng trưởng lên tới 20,7%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng năm 2017 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017 và cũng cao hơn mức tăng trưởng 7% của cùng kỳ năm 2016 và mức tăng trưởng 8,3% của 10 tháng năm 2016.
Tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 92,4% mục tiêu xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017.
Trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 với mức tăng trưởng vào khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD.
Mức tăng trưởng trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Nguyễn Mạnh (VNEconomy)