Đặt nhiệm vụ và trách nhiệm lên hàng đầu

Năm 2011, chàng kỹ sư Lê Thanh Hải quê Nam Định mang theo cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đến vùng đất mới lập nghiệp. Đầu quân vào Ban quản lý dự án Khí- Điện- Đạm Cà Mau, được giao nhiệm vụ tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát tiến độ lắp đặt đường ống, thiết bị phụ trợ trên công trường Nhà máy Đạm Cà Mau, Hải đã cùng với Tổ chuyên môn góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, hoàn thành việc lắp đặt cơ khí trước thời hạn, góp phần cùng với tập thể các kỹ sư, công nhân trong Ban quản lý dự án chạy thử thành công Nhà máy, cho ra đời sản phẩm sớm hơn dự kiến 3 ngày, cho ra đời sản phẩm thương mại đầu tiên sớm hơn 1 ngày, sớm đưa Nhà máy vào hoạt động ổn định.


Chàng kỹ sư Lê Thanh Hải

Từ giữa năm 2012, khi Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động, Xưởng Cơ khí cũng vừa mới hình thành, tất cả đều ở mức độ xây dựng ban đầu từ công tác xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa (BDSC) khắc phục các sự cố, nhân sự, báo cáo cho đến công tác tổng hợp, lưu trữ đều phải xây dựng từ đầu. Thời điểm đó, chuyển sang vai trò mới là Nhóm trưởng Thiết bị bơm Xưởng Cơ khí, Ban Quản lý Bảo dưỡng PVCFC, Hải đã nỗ lực cố gắng để cùng với lãnh đạo xây dựng cho Xưởng một bộ máy chuyên nghiệp, hệ thống các quy trình, biểu mẫu báo cáo đầy đủ, chính xác, xử lý các sự cố nhanh chóng, góp phần vận hành Nhà máy ổn định trong giai đoạn đầu đưa vào vận hành thương mại.

Từ năm 2015 với vai trò là kỹ sư, rồi kỹ sư chính đánh giá thiết bị động, Hải đã cùng anh em kỹ sư thực hiện bảo trì phòng ngừa, bảo trì chuẩn đoán cho thiết bị động Nhà máy, duy trì vận hành ổn định, ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa hư hỏng cho các thiết bị thiết bị động Nhà máy. Trong thời gian này, Hải cũng tham gia hoàn thành bộ đánh giá công suất, hiệu suất các thiết bị turbine máy nén chính trong Nhà máy, góp theo dõi chặt chẽ tình trạng thiết bị và đánh giá lựa chọn khoảng vận hành tối ưu khi vận hành. 

Hiện nay là Phó phòng Phó phòng Kỹ thuật Bảo dưỡng, Thanh Hải phải trực tiếp xử lý hàng loạt đầu việc liên quan đến công tác BDSC, chịu trách nhiệm về quản lý công tác lập kế hoạch bảo dưỡng; quản lý tối ưu chi phí cho công tác này; rà soát, xây dựng định mức vật tư, chiến lược bảo dưỡng; tham gia vào các tổ chuyên môn, thực hiện công tác điều tra sự cố các thiết bị chính, đảm bảo tất cả các sự cố đột xuất đều tìm được nguyên nhân và phương án khắc phục, phòng ngừa… Với nhiệm vụ được giao, Hải luôn phấn đấu, tích cực và chủ động để hoàn thành tốt, đảm bảo chất lượng công tác bảo dưỡng tốt nhất, tuổi thọ thiết bị lâu nhất, chi phí và công sức BDSC ít nhất, bảo dưỡng thiết bị đúng thời điểm, sửa chữa thiết bị nhanh nhất có thể.

Để đáp ứng guồng quay cuộc sống với khối lượng công việc “khủng” nhưng vẫn đảm bảo tất cả đều hiệu quả, Thanh Hải chia sẻ, anh luôn đặt nhiệm vụ và trách nhiệm lên hàng đầu và luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, khi có yêu cầu công việc, anh sẵn sàng làm việc ngoài giờ hay kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Đóng góp nhiều sáng kiến, đổi mới

Trong quá trình công tác, sự năng động, nhạy bén, ý thức làm chủ công nghệ đã thôi thúc kỹ sư Lê Thanh Hải chủ động, tích cực học tập, nâng cao trình độ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tăng hiệu quả công tác BDSC, tăng năng suất và tính ổn định của thiết bị, góp phần chung giảm chi phí cho Nhà máy, hoàn thành kế hoạch sản xuất.

Lòng nhiệt huyết và niềm đam mê là những tố chất giúp Thanh Hải nắm bắt nhanh kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Cứ mỗi khi công việc cần đến hoặc gặp khó khăn là anh lại suy nghĩ tìm giải pháp, sáng chế, cải tiến để giải quyết vấn đề. Từ đó anh đã có nhiều ý tưởng để tối ưu hóa, hợp lý hóa sản xuất. Trong đó, Hải đã cùng các đồng nghiệp tìm ra giải pháp nâng cao độ tin cậy, khắc phục triệt để hiện tượng quay ngược khi dừng khẩn cấp và ăn mòn của máy nén khí CO2. Giải pháp này đã giảm thiểu rủi ro, tăng độ tin cậy cho máy nén, giảm chi phí bảo dưỡng, tiêu hao cho Nhà máy, đảm bảo Nhà máy hoạt động ổn định. Giá trị làm lợi mang lại ước tính gần 26 tỷ đồng.

Một sáng kiến tiêu biểu khác của Thanh Hải và các đồng nghiệp là nghiên cứu tối ưu hóa và nâng công suất phân xưởng Ammonia lên 110%. Với sáng kiến này, nhóm tác giả đã giúp tăng tải xưởng Amo từ 100 lên 110%, các thông số công nghệ và thiết bị hoạt động ổn định sau khi nâng tải. Sáng kiến mang lại hiệu rõ rệt về mặt kỹ thuật cũng như về mặt kinh tế, giá trị làm lợi mang lại hơn 88,8 tỷ đồng.

Còn rất nhiều những sáng kiến khác mà Hải đã đóng góp trong công tác BDSC của Nhà máy Đạm Cà Mau, góp phần giảm thiểu tiêu hao sản xuất, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, giảm rủi ro nguy cơ dừng máy. Qua đó, anh được khen thưởng nhiều danh hiệu trong công tác sáng kiến, cải tiến như: Giấy khen cuộc thi ý tưởng EUREKA do PVCFC tổ chức; Bằng khen sáng kiến sửa chữa tiêu biểu 2016; Giấy chứng nhận sáng kiến cấp Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều năm liền Hải được khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng Bằng khen của PVCFC, Tập đoàn và của Bộ Công Thương;…

Theo Hải, chính niềm đam mê nghề nghiệp giúp anh có được nhiều sáng kiến hữu ích cho công ty. Bởi đam mê là chất xúc tác để mỗi người thêm hăng say làm việc, ý thức, nỗ lực để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của mình và có khát vọng vươn cao, tìm kiếm cái mới, nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất.

Đến nay, với những kinh nghiệm tích luỹ được, anh vẫn không ngừng học tập, trau dồi, bổ sung kiến thức để làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, đặc biệt là đảm bảo khi máy móc hư hỏng đột xuất phải xử lý kịp thời, không gây ách tắc sản xuất. Không chỉ học hỏi cho bản thân, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mà mình có với đồng nghiệp, tham gia soạn thảo tài liệu giảng dạy và tham gia nhiều khóa đào tạo nội bộ cho những ngươi thợ trẻ kế cận.


Kỹ sư Lê Thanh Hải - Phó phòng KTBD, ban Quản lý Bảo dưỡng PVCFC được vinh danh Người lao động Dầu khí tiêu biểu

Đúc kết lại những thành quả đạt được, Thanh Hải bộc bạch, bên cạnh niềm đam mê thì luôn tận tâm và nỗ lực hết mình là phương châm giúp anh hoàn thành tốt công việc hằng ngày và đáp ứng được những công việc khó hơn mà công ty giao. Những thành quả anh có được không chỉ nhờ vào nỗ lực của bản thân mà còn được hình thành trong một môi trường làm việc có tính chuyên nghiệp cao của PVCFC. Nơi đây, anh đã được lãnh đạo khuyến khích, tạo điều kiện để lao động, học tập nâng cao kiến thức, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp giỏi chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm. Những điều đó giúp anh trưởng thành và phát huy khả năng của mình.
Nguồn PVCFC