Tại Hội nghị Ban Chấp hành khóa V mở rộng nhiệm kỳ 2013-2018 được tổ chức tại TP Đà Lạt vừa qua, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) xác định phải đồng hành cùng chính quyền trong công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến, trong công tác thi đua trên các công trình dự án trọng điểm và công tác an toàn lao động, phong trào văn hóa - thể thao… Phóng viên Báo Năng lượng Mới ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường: Quyết liệt đổi mới hoạt động tổ chức CĐ khi Việt Nam tham gia TPP
Nghe báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, tôi thực sự rất vui mừng. Nhiều kết quả công tác của CĐ DKVN với những con số biết nói, công đoàn (CĐ) cùng với chính quyền tham gia chăm lo người lao động (NLĐ) trong dịp tết Nguyên đán, trong Tháng Công nhân, có nhiều đơn vị, hằng năm có hàng trăm sáng kiến được công nhận, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; rồi CĐ tham gia vào công tác quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp rất hiệu quả; góp phần quan trọng trong mạng lưới an toàn vệ sinh viên, góp phần không nhỏ vào công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ tại các đơn vị… Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu vẫn giảm sâu, tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và CĐ DKVN đang phải đối diện. Trong lúc này, một số đơn vị có NLĐ phải nghỉ việc, hoặc chuyển vị trí hoặc nghỉ không lương, khó khăn này đã tác động mạnh mẽ đến các hoạt động của CĐ DKVN trong thời gian qua. Trong hoàn cảnh ấy, dưới sự lãnh đạo CĐ DKVN và công đoàn các cấp đã cùng với chính quyền, triển khai nhiều nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm trên 8 lĩnh vực công tác đều đạt kết quả tốt.
Hiện nay có một vấn đề đặt ra, tổ chức CĐ Việt Nam sẽ tồn tại như thế nào khi Việt Nam gia nhập TPP. Chúng ta phải chủ động làm ngay từ hôm nay, tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Các đồng chí phải làm sao để NLĐ thấy tổ chức CĐ thực sự có giá trị với họ và họ quyết gắn bó lâu dài với CĐ chứ không tách ra thành lập một tổ chức mới. Do đó, sự tồn vong của tổ chức CĐ Việt Nam khi gia nhập TPP phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ CĐ các cấp.
Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng đề án hoạt động tổ chức CĐ khi Việt Nam tham gia TPP. Còn đối với CĐ DKVN với đặc thù tổ chức CĐ trong tập đoàn kinh tế Nhà nước, phải tiến hành đổi mới phương thức hoạt động và các hoạt động CĐ sao cho thiết thực, hiệu quả để NLĐ cảm nhận rõ ràng rằng, đây là tổ chức dành cho công nhân và vì công nhân. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại chính mình và tìm cách để tồn tại, phát triển. CĐ DKVN phải tập huấn rất sâu và kỹ đối với chủ tịch CĐ các cấp, trong công tác đối ngoại - đối nội phải như thế nào và làm sao để là thủ lĩnh thực sự của NLĐ. Thủ lĩnh CĐ phải là người thực sự gần gũi, chia sẻ, gắn bó và thấu hiểu với những thuận lợi cũng như các khó khăn của NLĐ. Các phong trào văn hóa - văn nghệ - thể thao thì chúng ta cũng phải tổ chức làm sao cho có hiệu quả, thiết thực, gắn liền với đặc thù của từng đơn vị. Tôi tin với bề dày truyền thống của mình, CĐ DKVN sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ còn lại 6 tháng cuối năm 2016. Đồng thời, chủ động đổi mới phương thức hoạt động, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của tổ chức CĐ DKVN khi Việt Nam tham gia TPP.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hùng Dũng: Tìm giải pháp không để NLĐ phải nghỉ chờ việc
Tôi đồng ý với báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Cảm ơn CĐ DKVN cùng với Tập đoàn triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016. Bản thân tôi thường xuyên làm việc với tổ chức CĐ, rất biểu dương các đồng chí đã chia sẻ và đồng hành cùng PVN trong các phong trào thi đua trên các dự án, công trình trọng điểm của PVN và đã đạt nhiều kết quả tốt. Có thể kể đến phong trào thi đua Dự án giàn Tam Đảo 05, Dự án Xà lan Vietsovpetro… đảm bảo đúng tiến độ đều có phần đóng góp của tổ chức CĐ.
Để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng còn lại năm 2016 cũng như chuẩn bị tâm thế khi Việt Nam tham gia TPP thì tổ chức CĐ phải không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, làm sao gắn liền với thực tiễn của từng đơn vị.
Còn nhiệm vụ trước mắt, thứ nhất, trong giai đoạn hiện nay, giá dầu giảm sâu, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng lớn, tư tưởng cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ở một số đơn vị đang gặp khó khăn không ổn định. Tập đoàn rất mong CĐ DKVN và CĐ cơ sở phát huy hơn nữa vai trò của mình, cùng với chính quyền động viên, tuyên truyền làm tốt công tác tư tưởng để NLĐ an tâm công tác. Thứ hai, CĐ DKVN phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm, phong trào phát huy sáng kiến - cải tiến kỹ thuật, hiến kế cho Tập đoàn. Đi đôi với phát động thi đua là có những hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời, biểu dương các sáng kiến có giá trị, làm sao để NLĐ phát huy tối đa sức sáng tạo. Thứ ba, CĐ phải tuyên truyền sâu rộng đến từng NLĐ về công tác an toàn - vệ sinh lao động trên các công trường, dự án trọng điểm để hạn chế mức thấp nhất các sự cố đáng tiếc.
Trong công tác tái cấu trúc của các đơn vị, PVN mong mỗi đơn vị thành viên phải làm sao để sau tái cấu trúc đơn vị hoạt động hiệu quả hơn, nhưng đồng thời cũng có nhiều việc làm hơn dành cho NLĐ, hạn chế đến mức thấp nhất NLĐ không có việc hay nghỉ chờ việc. Bởi khi NLĐ mất việc thì có rất nhiều vấn đề xã hội kèm theo như kiện cáo, tư tưởng hoang mang trong CNVC-NLĐ nói chung, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của NLĐ thì họ rất khó toàn tâm toàn ý cho công việc. Khi NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định, yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của đơn vị, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở đáp ứng yêu cầu TPP
Thông qua báo cáo kết quả hoạt động công tác CĐ 6 tháng đầu năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016, trên cơ sở tiếp thu một số ý kiến đóng góp, bổ sung, CĐ DKVN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:
CĐ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ NLĐ, để mỗi NLĐ nắm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cũng như các khó khăn, thách thức của Tập đoàn và các đơn vị trong 6 tháng cuối năm 2016. Song song là công tác chăm lo đời sống NLĐ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của NLĐ, tham gia xây dựng chính sách cho NLĐ trong tình hình hiện nay, đặc biệt tại các đơn vị đang có NLĐ nghỉ chờ việc và thu nhập thấp. Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật và tư vấn cho NLĐ.
Để đạt được kết quả cao hơn trong 6 tháng cuối năm, CĐ sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tiết giảm chi phí.
Đồng thời, CĐ DKVN sẽ nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng tập huấn cán bộ CĐ các cấp, đặc biệt quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp thiết trong tình hình Việt Nam tham gia Hiệp định TPP.
Chủ tịch CĐ PV Gas Nguyễn Văn Hùng: Động viên lao động sáng tạo
Thời gian qua, phong trào sáng kiến cải tiến tại Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) phát triển mạnh ở tất cả các lĩnh vực, thu hút được đông đảo CBCNV tham gia. Các sáng kiến cải tiến được áp dụng trong thực tế đã góp phần vào việc quản lý, vận hành các công trình khí an toàn, liên tục, hiệu quả, bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích kinh tế, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong giai đoạn 2011-2015, tại PV Gas đã có gần 400 sáng kiến/giải pháp làm lợi gần 850 tỉ đồng. Trong đó có 44 sáng kiến được công nhận cấp tổng công ty, 13 sáng kiến được công nhận cấp Tập đoàn và Bằng khen Tập đoàn. Thông qua phong trào sáng kiến cải tiến đã giúp PV Gas xây dựng được đội ngũ CBCNV có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, ngày càng bản lĩnh, chuyên nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ được Tập đoàn giao.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, trở ngại trong công tác sáng kiến cải tiến khi các công trình/nhà máy của PV Gas hầu hết đã trải qua nhiều năm vận hành nên đa số các bất hợp lý đã được khắc phục, vì vậy số lượng các sáng kiến những năm gần đây cũng giảm dần. Thứ hai, phong trào tại PV Gas hiện chưa đồng đều. Ở một số đơn vị kinh doanh, các ban quản lý dự án phong trào sáng kiến cải tiến chưa được chú trọng. Sáng kiến chủ yếu tập trung ở khối vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, các sáng kiến về công tác quản lý còn ít. Chưa kể, công tác báo cáo và xét duyệt sáng kiến thường chậm. Các tác giả sáng kiến (đa số là kỹ sư, công nhân trực tiếp sản xuất) có tư tưởng không muốn viết báo cáo sáng kiến do e ngại các thủ tục giấy tờ. Đồng thời, một số sáng kiến có tính sáng tạo cao nhưng khó định lượng được số tiền làm lợi, gây khó khăn trong việc thẩm định, bình xét sáng kiến ở cấp cao.
Do đó, để hoạt động sáng kiến cải tiến ở PV Gas ngày càng hiệu quả, CĐ phối hợp với chính quyền tổ chức phát động các phong trào sáng kiến cải tiến theo chuyên đề căn cứ yêu cầu sản xuất kinh doanh và tình hình thực tế của tổng công ty/đơn vị trong mỗi thời kỳ. Bên cạnh đó, Ban Sáng kiến cải tiến CĐ xây dựng quy trình tiếp nhận, đánh giá, khen thưởng và phát triển các ý tưởng sáng kiến. Phổ biến rộng rãi trong toàn tổng công ty các sáng kiến đã được công nhận trên trang web nội bộ, để các đơn vị có thể xem xét áp dụng, tùy thuộc vào điều kiện của từng đơn vị. CĐ cũng thường xuyên cùng chính quyền tuyên truyền, vận động CBCNV đóng góp sáng kiến cải tiến, đưa phong trào sáng kiến cải tiến trở thành hoạt động thường xuyên tại các đơn vị, phấn đấu trong năm 2016, tất cả các đơn vị của PV Gas đều có sáng kiến.
Chủ tịch CĐ Vietsovpetro Nguyễn Quốc Đạt: CĐ tham gia xử lý lao động dư dôi
Trong giai đoạn hiện nay, tập thể lao động Vietsovpetro đang đứng trước những khó khăn và thách thức rất to lớn. Để khắc phục các khó khăn, thách thức, tiếp tục duy trì sản xuất trong giai đoạn hiện nay, Vietsovpetro đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, như: tạm thời cắt giảm lương của lãnh đạo, cắt thưởng của toàn thể CBCNV, cắt tiền trợ cấp nhà ở, cắt tiền trang phục công sở, giảm tiền phụ cấp làm việc trên công trình biển, giảm thiểu tối đa số người làm việc trên các công trình biển, tăng số ngày làm việc theo ca trên công trình biển từ 15 ngày lên 21 ngày để giảm tiền thuê trực thăng, giãn tiến độ các công trình chưa thực sự cấp bách, thậm trí phải giảm cả khối lượng khoan tìm kiếm thăm dò... Đây là những giải pháp tình thế dù không muốn, nhưng buộc phải thực hiện để giúp cho Vietsovpetro vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Người lao động Vietsovpetro trên giàn Thỏ Trắng 02
Mặt khác, chính tình hình khó khăn hiện nay cũng là cơ hội cho Vietsovpetro hoàn thiện chính mình, đánh giá lại cơ cấu sản xuất và cơ chế quản lý để đưa ra các giải pháp tốt hơn, giúp cho Vietsovpetro không những vượt qua khó khăn thách thức hiện nay mà còn tạo điều kiện cần thiết để phát triển ổn định và bền vững trong thời giai tới. Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy, CĐ Vietsovpetro đã và đang sát cánh cùng với Ban Tổng giám đốc, soạn thảo và tổ chức thực hiện “Kế hoạch tái cấu trúc Vietsovpetro theo hướng hoàn thiện cơ cấu tổ chức tối ưu hóa định biên lao động và chi phí nhân viên giai đoạn 2016-2020”.
Việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại nhân sự của Vietsovpetro sẽ được thực hiện có lộ trình, không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại. Theo kế hoạch tái cơ cấu Vietsovpetro, biên chế Vietsovpetro từ 7.174 chức danh vào ngày 1-1-2016 sẽ giảm xuống còn 4.924 chức danh vào năm 2020 (Nga 341 chức danh, Việt Nam là 4.583), giảm 2.250 chức danh (tương đương 31,4%, trong đó Nga là 197 người, Việt Nam là 2.053 người).
Để xử lý lao động dôi dư, chính quyền và toàn thể các tổ chức chính trị xã hội của Vietsovpetro, trong đó có tổ chức CĐ từ trên xuống dưới phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. CĐ đã tuyên truyền, vận động CBCNV chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp; vận động CBCNV về hưu sớm trước tuổi (hiện Vietsovpetro đang có cơ chế khuyến khích người về hưu trước tuổi - mỗi năm được hưởng 3 tháng lương chức danh). Riêng trong 5 tháng đầu năm 2016, đã vận động được 421 người nghỉ hưu sớm (năm 2015 là 196 người). Đồng thời, tổ chức thực hiện việc luân chuyển, sắp xếp lại lao động, trong 5 tháng đầu năm 2016 đã sắp xếp lại việc làm cho 513 người (năm 2015 là 661 người). Đào tạo thêm nghề 2 cho CBCNV để thuận tiện cho việc luân chuyển, sắp xếp lại lao động, trong 5 tháng đầu năm 2016 đã có 193 người được đào tạo lại nghề 2 (năm 2015 là 292 người). Chuyển sang hưởng lương từ nguồn dịch vụ ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2016 đã chuyển 271 sang hưởng lương từ dịch vụ ngoài (năm 2015 là 34 người).
Giải pháp cuối cùng là tạm thời để một số CBCNV nằm trong danh sách dôi dư không bố trí được việc làm, hưởng lương chờ việc. Trong hơn một năm qua, từ ngày 1-1-2015 đến nay Vietsovpetro đã giảm gần 1.100 người, nhưng do có chủ trương đúng đắn và các gải pháp hợp lý số lao động tạm dôi dư không bố trí được việc làm, hưởng lương chờ việc ở Vietsovpetro chỉ hơn 20 người và chỉ trong vòng hơn 2 tháng Vietsovpetro đã đào tạo nghề 2 và bố trí được việc làm mới cho số lao động này. Hiện nay ở Vietsovpetro không còn lao động dôi dư không bố trí được việc làm.
Với sự tham gia của toàn thể hệ thống chính trị xã hội ở Vietsovpetro, trong đó có tổ chức CĐ, chúng tôi tin rằng “Kế hoạch tái cấu trúc Vietsovpetro theo hướng hoàn thiện cơ cấu tổ chức tối ưu hóa định biên lao động và chi phí nhân viên giai đoạn 2016-2020” là rất khả thi, đang đi đúng hướng và được thực hiện đúng lộ trình đề ra trong kế hoạch.
Thiên Thanh (Theo petrotimes.vn)