Báo cáo thường niên: PBCM

ĐÁNH GIÁ CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

ĐÁNH GIÁ CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ VỀ CÁC MẶT HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY

Công tác quản lý vận hành sản xuất

Nhà máy duy trì vận hành an toàn, công suất trung bình đạt 109,39% (tính theo công suất xưởng Urê). Và vào ngày 06/10/2021, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cán mốc 8 triệu tấn sản xuất sau hơn 9 năm vận hành thương mại.

BDTT năm 2021 diễn ra trong điều kiện vô cùng đặc biệt: Kế hoạch dừng máy bảo dưỡng giàn thay đổi 3 lần; dịch bệnh bùng phát nên công tác mua sắm gặp rất nhiều thách thức; không huy động được chuyên gia nước ngoài và khó khăn trong việc huy động các nhà thầu trong nước, nhưng nhờ sự chủ động trong công tác chuẩn bị, nhân sự nhà máy tay nghề cao nên Công ty đã hoàn thành mục tiêu BDTT đặt ra, công tác bảo dưỡng tổng thể đã được thực hiện trong tháng 11/2021, thực hiện 2.171 hạng mục trong thời gian 13,4 ngày (bao gồm cả thời gian dừng và khởi động lại Nhà máy), có sản phẩm NH3 trước 50,5 giờ; có sản phẩm Urê trước 6 giờ so với kế hoạch.

Đây là bước tiến mới về việc tự chủ trong hoạt động bảo dưỡng, hướng tới thực hiện và phát triển mảng dịch vụ bảo dưỡng theo mục tiêu chiến lược.

Đặc biệt, mảng tối ưu hóa là thế mạnh của đội ngũ kỹ sư, công nhân nhà máy. Trong năm PVCFC đẩy mạnh triển khai chương trình tối ưu hóa, trong đó có các hạng mục đã hoàn thành trong BDTT và đang quá trình ghi nhận dữ liệu đánh giá hiệu quả như: Thu hồi hydro trong dòng offgas để gia tăng thêm sản lượng NH3; nâng công suất cụm trao đổi nhiệt E04301; thu hồi MP vent gas xưởng Urê. Ngoài ra các hạng mục đang thi công như: Tối ưu hệ thống nước làm mát; Tối ưu hoạt động LTS gia tăng sản lượng NH3; Cải tạo và nhập NH3 lỏng cho Sản xuất Urê; Lắp đặt fiter coalescer tại cụm phân phối khí đầu vào; Cải tạo hệ thống cấp hydro recycle và dự kiến đưa vào áp dụng trong năm 2022.

Công tác quản lý kinh doanh - tiếp thị truyền thông

Từ tháng 4/2021 dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, một số tỉnh/thành phố đã theo quy định giãn cách xã hội, hạn chế đi lại gây khó khăn cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm, các kho cảng đều không thể huy động được nhân công làm việc; công tác vận chuyển, lưu thông phân bón gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm. Để vượt qua thử thách này, PVCFC đã tổ chức các giải pháp kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch, đảm bảo công tác tiêu thụ sản phẩm thông suốt góp phần ổn định thị trường, cụ thể:

Mở rộng hệ thống kênh phân phối, đầu tư phát triển kênh B2B hướng đến các khách hàng là các nông trường, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã cho thấy việc định hướng mở rộng thị trường và chuyển đổi hình thức phân phối sâu xuống đại lý cấp 2 đã và đang mang lại hiệu quả.

Đổi mới cách thức tiếp cận khách hàng mục tiêu trong công tác tiêu thụ các sản phẩm NPK và hữu cơ vi sinh theo chiều hướng giảm mức độ tập trung nguồn lực vào kênh phân phối, đẩy mạnh đầu tư nguồn lực cho người tiêu dùng cuối cùng trên nền tảng số hóa các hoạt động kinh doanh và tiếp thị truyền thông.

Ứng dụng tối đa các nền tảng số trong công tác bán hàng và tiếp thị truyền thông trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không tương tác trực tiếp được với khách hàng. Các nền tảng đã và đang khai thác như ERP, Eoffice, DMS, CRM, app 2Nông,… đã và đang phát huy vai trò tích cực trong việc đảm bảo các hoạt động kinh doanh và tiếp thị truyền thông được thông suốt, tiết kiệm chi phí.

Hoạt động đầu tư xây dựng

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư cũng như huy động chuyên gia và nhà thầu, tuy nhiên với sự nỗ lực của Công ty trong việc liên tục kết nối với Nhà bản quyền hỗ trợ chạy thử từ xa và khi quy định giãn cách được nới lỏng thì gấp rút hoàn tất thủ tục để Nhà bản quyền sang Việt Nam, thực hiện chạy thử “Dự án sản xuất phân bón phức hợp từ Urê nóng chảy 300.000 tấn/năm”, hiện dự án đang nghiệm thu. Bên cạnh đó các dự án triển khai trong năm 2021 đều có những chuyển biến tích cực:

  • Hạng mục cải hoán và cung cấp CO2 thô tại nhà máy Đạm Cà Mau: Tiến độ tổng thể đến nay đạt 96,30%/97,47%, đang thực hiện những bước cuối cùng giai đoạn thi công, chuẩn bị đưa vào chạy thử.

  • Trung tâm Nghiên cứu phát triển PVCFC: Với định hướng chiến lược phát triển mảng nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm cung cấp giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng PVCFC đã hoàn thành thủ tục mua đất tại tỉnh Long An để xây dựng TTNCPT. Hiện sở KH&ĐT tỉnh Long An đang hoàn tất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

  • Các dự án nằm trong chiến lược đa dạng hóa nguồn nguyên liệu: “Dự án đầu tư nhà máy khí hóa than” đang đánh giá cơ hội đầu tư, tiếp tục kinh doanh với thương hiệu Phân bón Cà Mau để từng bước thử nghiệm và thăm dò thị trường trước khi quyết định đầu tư.

  • Ngoài ra với việc mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm và nâng công suất nhà máy thì nhu cầu lưu trữ nguyên liệu, sản phẩm… ngày càng tăng cao. Do vậy Công ty đang tìm kiếm địa điểm để xây dựng một kho đầu mối tại ĐBSCL cũng như cải tạo và mở rộng các kho chứa tại nhà máy phục vụ tồn chứa trong thời điểm thấp vụ, đảm bảo nhà máy hoạt động liên tục.

Đối với công tác đầu tư xây dựng, PVCFC luôn chủ động rà soát đánh giá kỹ tất cả dự án đầu tư, hạng mục mua sắm trước khi thực hiện đảm bảo thực sự cần thiết, tính hợp lý và theo thứ tự ưu tiên, tối ưu trong việc sử dụng nguồn vốn.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và lãnh đạo PVCFC trong buổi lễ gắn biển hoàn thành công trình Nhà máy NPK Cà Mau

Các hoạt động quản lý khác
  • Trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2021, Công ty đã thích nghi “sống chung với đại dịch”, hạn chế tối đa tác động của việc giãn cách xã hội làm đình trệ, gián đoạn cung ứng nhờ có sự chuẩn bị tốt các nền tảng công nghệ: Hệ thống Văn phòng điện tử (Eoffice): áp dụng ký điện tử, quy trình số; hệ thống SAP ERP cung cấp số liệu phục vụ công tác báo cáo, phân tích phục vụ nhu cầu quản trị, là hệ thống trung tâm và kết nối với các hệ thống xung quanh như: HRM, DMS, Eoffice, MIS/MES; các nền tảng DMS, CRM, app 2Nông,... đã và đang phát huy vai trò tích cực trong việc đảm bảo các hoạt động kinh doanh và tiếp thị truyền thông được thông suốt, tiết kiệm chi phí.
  • Triển khai dự án tăng cường năng lực quản trị Công ty: Thành lập Ban dự án điều phối thực hiện các khuyến nghị của IFC:
  • Xây dựng báo cáo tài chính, báo cáo quản trị theo thông lệ quốc tế IFRS; Quản trị hoạt động R&D và tài sản trí tuệ, quản lý rủi ro… nhằm tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn nhà đầu tư và nâng cao giá trị doanh nghiệp

Có thể nói văn hóa doanh nghiệp là nền tảng đã giúp PVCFC vượt qua đại dịch Covid-19. Trải qua 5 năm triển khai Dự án “Tái tạo văn hóa PVCFC” từ bước phổ cập văn hóa nền tảng “7 thói quen hiệu quả”. Năm 2021, Công ty thực hiện sơ kết 5 năm triển khai Dự án “Tái tạo văn hóa PVCFC”, về cơ bản đã xây dựng xong phần văn hóa bản sắc và đang tập trung vào giai đoạn sống với văn hóa bản sắc. Năm 2021, Công ty đã tổ chức các buổi chia sẻ trực tuyến của Lãnh đạo Công ty về các nội dung của Sổ tay văn hóa PVCFC lồng ghép chia sẻ tầm nhìn chiến lược, 4 giá trị cốt lõi của Công ty, kết nối giữa mục tiêu chung và sự đóng góp của người lao động với tiêu chí phát triển của Công ty; tổ chức các buổi củng cố “7 thói quen hiệu quả”; xây dựng clip Sổ tay văn hóa và đào tạo trên hệ thống Elearning ...

Với sự tiên phong trong các hoạt động, ngày 5/12/2021 PVCFC được vinh danh là một doanh nghiệp tiêu biểu trong xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp, phát triển bền vững, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.

Chủ động chuẩn bị các công việc cần thiết nâng cao giá trị sử dụng vốn, tài sản: Hoàn thiện các thông tin về PVCFC để công bố, thu hút Nhà đầu tư nước ngoài trên không gian số; thông qua các nhà tư vấn nước ngoài để tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng; xây dựng các mục tiêu phát triển và kế hoạch hành động đến 2025 phù hợp với những biến động của tình hình kinh tế sau đại dịch Covid-19 cùng với sự chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số... nhằm tăng cả thực lực cạnh tranh và giá trị thị trường của PVCFC, tạo tiền đề cho những bước phát triển mới, thu hút nhà đầu tư, triển khai công tác thoái vốn PVN tại PVN xuống 51% vốn điều lệ.

Thực hiện theo định hướng chiến lược phát triển của Công ty là đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, năm 2021 hoạt động nghiên cứu phát triển đang tập trung vào các lĩnh vực sau:

  • Nghiên cứu thành công sản phẩm mới (N46.True) trên các cây lương thực (khoai lang, khoai tây, ngô) hoàn thành đánh giá đặc tính ngoài đồng về khả năng chống đổ ngã, giúp thân cây cứng,... Hiện nay đã sản xuất và đang kinh doanh thử nghiệm từ tháng 2/2022 để thăm dò đánh giá mức độ hấp thu của thị trường.
  • Nghiên cứu các sản phẩm bổ sung các chủng vi khuẩn giúp hòa tan phốt pho, hòa tan lân liên kết sắt, nhôm vào phân hóa học; vi sinh phân hủy các hoạt chất lưu tồn trong đất trồng lúa; chế phẩm vi sinh về khả năng chống chịu mặn. Hiện nay đã tiến hành nghiệm thu các đề tài, chuẩn bị sản xuất thử nghiệm trên quy mô pilot.
  • Đồng thời tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô công nghiệp vi sinh vật có ích và phân hữu cơ lên men từ phụ phẩm động vật trong nuôi trồng/chế biến, chăn nuôi, thủy sản; nghiên cứu các dòng phân bón phù hợp dinh dưỡng cho cây ăn quả (xoài, sầu riêng, bưởi, mít) vùng sinh thái đất phèn Đồng Tháp Mười và thực hiện khảo nghiệm, thí nghiệm tại các Trại thực nghiệm của PVCFC để đánh giá hiệu quả.
  • Năm 2021, PVCFC cũng đã xây dựng chiến lược R&D dài hạn, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm phân bón NPK, khoáng hữu cơ, hữu cơ vi sinh và các dòng phân bón chất lượng cao phù hợp với định hướng chiến lược của Công ty.

PVCFC thực hiện đồng bộ và linh hoạt các giải pháp tối ưu tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất của nhà máy, thực hiện tốt công tác quản lý chi phí và giá thành sản phẩm thông qua việc giao kế hoạch chi phí chi tiết đến từng bộ phận để làm cơ sở kiểm soát, đánh giá việc thực hiện, sử dụng chi phí hợp lý.

Trong năm 2021 tổng số tiền tiết kiệm/tiết giảm được 132,51 tỷ đồng đạt 169% kế hoạch: Trong đó từ tiết kiệm định mức nguyên nhiên vật liệu, năng lượng là 111,23 tỷ đồng, từ quản lý, bán hàng, sản xuất chung là 20,07 tỷ đồng; từ quản lý đầu tư xây dựng là 1,21 tỷ đồng.

TỔNG SỐ TIỀN TIẾT KIỆM/TIẾT GIẢM ĐƯỢC

132,51

tỷ đồng

Số lượt đào tạo thực hiện năm 2021 là 4.350 lượt, đạt 165% kế hoạch năm 2021. PVCFC triển khai các chương trình phát triển kỹ năng và học tập liên tục để hỗ trợ người lao động đảm bảo trang bị và cập nhật liên tục kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và phát triển bản thân. Đồng thời nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với những biến động của tình hình kinh tế sau đại dịch Covid-19, PVCFC đã tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo, diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore, chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt nhất, các vấn đề cốt lõi về pháp lý doanh nghiệp và kinh doanh, quản trị rủi ro doanh nghiệp, quản trị hoạt động R&D và tài sản trí tuệ, văn bản quy phạm pháp luật,… nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành hiệu quả trong các hoạt động.

Số lao động cuối kỳ năm 2021 là 1.022 người thấp hơn 23 người so với KH 2021, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2020 do bổ sung cho khối kỹ thuật sản xuất, khối kinh doanh do nhân sự luân chuyển đến các ban chuyên môn khác cũng như dịch chuyển sang các đơn vị, nhà máy sản xuất khác.

Công tác tiền lương: PVCFC thực hiện chi trả lương, thưởng, phúc lợi và các chế độ chính sách khác phù hợp quy định của pháp luật, của Tập đoàn và quy định của Công ty cho Người lao động đảm bảo đời sống cho CBCNV. Ngoài ra hiện nay PVCFC đang cập nhật điều chỉnh Quy chế trả lương, thưởng và Chế độ phúc lợi, Chính sách nhân viên mới nhằm tạo động lực, tạo công bằng cho tất cả CBCNV tiến tới xem xét khoán lương theo mô tả công việc.

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ VỚI BAN TỔNG GIÁM ĐỐC

Căn cứ Điều lệ Công ty và Quy chế Quản trị Công ty, HĐQT đã thực hiện giám sát hoạt động của Tổng Giám đốc và các thành viên Ban Điều hành trong việc điều hành sản xuất kinh doanh và triển khai các nghị quyết của ĐHĐCĐ và HĐQT trong năm 2021 như sau:

Phương thức giám sát
  • Giám sát quá trình lập kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 và việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua.

  • Tham dự các cuộc họp thường kỳ của BĐH về hoạt động SXKD và giao ban định kỳ hàng quý nhằm kịp thời hỗ trợ và đảm bảo hiệu quả hoạt động điều hành của Ban TGĐ, bộ máy giúp việc cho Ban TGĐ và Người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp có vốn góp của Công ty.

  • Ngoài các cuộc họp chuyên đề riêng với Ban Điều hành, giám sát một số đơn vị, HĐQT thông qua Ủy ban Kiểm toán và Quản trị rủi ro, Ban Kiểm toán nội bộ, kết hợp với Ban Kiểm soát trong việc kiểm tra, giám sát thực tế nhằm nắm bắt tình hình hoạt động SXKD thực tế của Công ty. Giám sát, trao đổi với các đơn vị kiểm toán độc lập trong quá trình kiểm toán và thực hiện thẩm định các báo cáo tài chính theo đúng quy định hiện hành.

Kết quả giám sát

HĐQT đánh giá Ban Tổng Giám đốc đã hoàn thành tốt vai trò điều hành SXKD, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2021, cụ thể như sau:

Đã quản lý, điều hành hoạt động SXKD với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết của ĐHĐCĐ, chỉ đạo của HĐQT và tuân thủ các quy trình, quy định trong hoạt động điều hành Công ty theo đúng Điều lệ, Quy chế quản trị doanh nghiệp cũng như các quy định của Pháp luật có liên quan.

Không ngừng cải tiến nâng cao năng lực quản trị chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước hoàn thiện các công cụ quản trị từ sản xuất, quản trị tài chính cho đến quản trị rủi ro, quản trị chiến lược.

Việc triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược tiếp tục được thực hiện bài bản theo lộ trình với các giải pháp cụ thể, sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống bất lợi hay các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

Thường xuyên rà soát, đánh giá chi tiết các dự án đầu tư, kịp thời đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo các dự án được triển khai an toàn, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Với những kết quả đạt được trong năm 2021, dù khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, HĐQT đã thực hiện tổng kết, thảo luận và đánh giá: Tổng Giám đốc và Ban Điều hành đã có nỗ lực to lớn và thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2021, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật hiện hành và quy chế hoạt động của Công ty. Đặc biệt, Ban Điều hành đã làm tốt công tác điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo an toàn sức khỏe nhân viên và kinh doanh có trách nhiệm cao với các bên liên quan.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CỦA PVCFC NĂM 2022

Năm 2022, trước tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, giá dầu tăng cao, cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất phân bón trong nước và các nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi chậm,... HĐQT PVCFC đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm như sau:

  • Tiếp tục vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau hiệu quả, an toàn, ổn định tối ưu công suất.
  • Tiếp tục định hướng nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nguyên, nhiên liệu cho sản xuất Urê tăng tính linh hoạt, chủ động và bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Chỉ đạo vận hành và khai thác hiệu quả phân xưởng NPK, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường.
  • Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số.
  • Thúc đẩy các dự án đầu tư có hiệu quả, mang tính chiến lược.