CÁC HOẠT ĐỘNG
KIỂM SOÁT NỘI BỘ TẠI PVCFC
Trong quá trình hoạt động luôn tiềm ẩn các rủi ro có thể ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp. PVCFC nhận thức rõ một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả phải đảm bảo ngăn ngừa và giảm thiểu được các rủi ro có thể xảy ra. Để đảm bảo ổn định trong điều kiện hiện nay và phát triển bền vững trong tương lai, PVCFC xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa hệ thống kiểm soát nội bộ theo mô hình tiên tiến hiện nay là mô hình 3 tuyến (được ban hành tháng 07/2020 bởi Hiệp hội Kiểm toán Nội bộ Hoa Kỳ - IIA) trên cơ sở phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp.
Hình: Mô hình 3 tuyến
Chú thích
- Chịu trách nhiệm, luồng báo cáo
- Giao trách nhiệm, hướng dẫn, cung cấp tài nguyên, giám sát
- Sắp xếp, phối hợp giao tiếp, hợp tác
Theo thông lệ tốt, PVCFC tập trung thiết lập hoàn thiện hệ thống các quy tắc, cơ chế, chính sách nhằm tối ưu hoạt động và giảm thiểu các rủi ro trọng yếu, tạo ra nhiều gia trị gia tăng và nâng cao vị thế canh tranh của công ty so với các đối thủ cùng ngành. PVCFC đã triển khai Dự án khung chính sách để kiện toàn lại hệ thống quản trị của Công ty với lộ trình bao gồm 4 hạng mục:
Chuẩn hóa lại chuỗi giá trị;
Chuẩn hóa lại Hệ thống văn bản quy phạm nội bộ và xây dựng Bảng phân quyền RACI cho các quy chế
Xây dựng Ma trận rủi ro kiểm soát cho các quy trình
Số hóa các quy trình nghiệp vụ.
Theo đó, chuẩn hóa lại chuỗi giá trị là tiền đề để hoạch định lại các hoạt động liên quan đến việc tập trung tạo ra hoặc gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm và dịch vụ mà Công ty cung cấp và các hoạt động trọng yếu có khả năng mang lợi thế cạnh tranh bền vững của Công ty
Dựa trên chuỗi giá trị, PVCFC tiến tới ban hành Bảng phân quyền (RACI) cho các quy chế để giúp Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và các ban, đơn vị trong việc phân cấp, phân quyền thực hiện theo từng hoạt động của chuỗi giá trị chứ không thực hiện rời rạc theo từng phòng ban chức năng. Tiếp đến, PVCFC xác định các chốt kiểm soát trọng yếu và xây dựng ma trận kiểm soát cho các quy trình. Điều này giúp tuyến 1 (các phòng ban) xác định được các rủi ro trong nghiệp vụ công việc và các giải pháp ứng phó khi rủi ro này xảy ra; tuyến 2, 3 đồng bộ dữ liệu về hồ sơ rủi ro hoạt động/quy trình đầu vào phục vụ cho công tác kiểm tra giám sát theo định hướng rủi ro cũng như tạo điều kiện giúp việc ra quyết định của cấp có thẩm quyền nhanh chóng hơn nhờ lược bỏ bớt các chốt chặn hoặc các điểm kiểm soát không cần thiết. Trên kết quả đạt được, sau khi các quy trình được chuẩn hóa, là bước số hóa quy trình nghiệp vụ thông qua phần mềm văn phòng điện tử (EO), ERP và các phần mềm khác, giúp các thông tin, dữ liệu được kết nối thông suốt, hỗ trợ đẩy nhanh công tác phối hợp giữa các phòng ban và quá trình ra quyết định của cấp có thẩm quyền.