Khung phát triển
bền vững tại pvcfc

Khung phát triển bền vững tại PVCFC
Double Down

BỐI CẢNH HOẠT ĐỘNG CỦA PVCFC

Trong những năm qua, ngành phân bón toàn cầu đã đứng trước những thách thức và cơ hội lớn với ảnh hưởng của các sự kiện quốc tế quan trọng, điển hình là Hội nghị COP26 được tổ chức vào năm 2021, nơi Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. 

Năm 2023, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xung đột Nga – Ukraine đang tiếp diễn, xung đột ở Trung Đông, Biển Đỏ mới bùng phát các tháng cuối năm đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng (thời gian vận chuyển kéo dài hơn, nhiều đơn vị sản xuất cung ứng vật tư, thiết bị phá sản do chi phí đầu vào tăng cao…) kéo theo giá dầu, chi phí vận chuyển tăng lên cao.

Các sự kiện COP là diễn đàn quan trọng, là nơi các quốc gia thảo luận và đạt được thỏa thuận về hành động khí hậu, thúc đẩy cam kết toàn cầu trong việc giảm phát thải và tăng cường nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, COP 26 năm 2021 là một sự kiện quan trọng và có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam khi Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số cam kết quan trọng như sau: (1) Cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050; (2) Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; (3) Tăng cường đầu tư vào tài chính xanh và công nghệ sạch; (4) Cam kết giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030. Tại COP 27, các quốc gia tiếp tục cam kết giảm phát thải và cập nhật kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu và tại COP 28 diễn ra vào tháng 11/2023, các quốc gia tiếp tục cam kết giảm phát thải và cập nhật kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu cũng như cam kết tài chính để hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết. 

Ngành phân bón toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang đứng trước những thách thức và cơ hội lớn. Sau đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp càng cho thấy giá trị và vị thế là bệ đỡ của nền kinh tế đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực. Việc gia tăng dân số và nhu cầu lương thực cũng như sự phát triển của ngành nông nghiệp sẽ làm tăng nhu cầu phân bón; việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón mới, các giải pháp thông minh trong quản lý dinh dưỡng cây trồng có thể tăng hiệu quả sử dụng phân bón và thay đổi cấu trúc nhu cầu thị trường.

Ngoài ra xu hướng tiêu dùng xanh và sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và bền vững cũng sẽ tác động đến ngành phân bón.

Bên cạnh đó, Liên minh Châu Âu đã ban hành Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) vào năm 2023 đưa ra quy định đánh thuế carbon đối với các hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, đặt ra yêu cầu ngành phân bón phải tăng cường minh bạch và giảm phát thải CO2. Ngoài ra, những hướng dẫn từ Hiệp hội chuyên ngành như Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) cũng liên tục khuyến khích các công ty phân bón trên thế giới chú trọng vào việc áp dụng các công nghệ sản xuất phân bón mới, hướng tới việc tối ưu hóa hiệu suất và bền vững.

Cuối cùng không thể không nhắc tới là xu hướng dịch chuyển của các công ty phân bón trên thế giới hướng tới việc ứng dụng sản xuất hydro xanh, sử dụng các nguyên liệu đầu vào là năng lượng sạch, sử dụng phân bón hiệu quả và bền vững, phân bón hữu cơ và các giải pháp phân bón thông minh để giúp tối ưu hóa việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và giảm thiểu tác động môi trường.

Trong nước, chúng tôi cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng từ các quy định về giảm phát thải khí nhà kính; kiểm kê khí nhà kính cũng như công bố thông tin liên quan đến môi trường và xã hội. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng cải tiến quy trình sản xuất và quản lý để đáp ứng tốt các yêu cầu về giảm phát thải và công khai những thông tin này. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” hướng tới mục tiêu đưa phát triển xanh, giảm phát thải sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển bền vững. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon theo cam kết tại hội nghị COP26.

Với bối cảnh đó, trong năm 2023, PVCFC tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu sản phẩm mới với các dòng sản phẩm mới giúp cải tạo đất, giảm thất thoát, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng phân bón như các dòng sản phẩm N46 plus; các hoạt động nghiên cứu và thực hành tiết kiệm năng lượng tại nhà máy, giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường và nghiên cứu công nghệ sản xuất hydro xanh ứng dụng vào trong sản xuất phân bón.
Dù gặp nhiều thách thức, chúng tôi hiểu và tự hào là một phần của xu hướng này, với cam kết mạnh mẽ về một tương lai bền vững cho ngành nông nghiệp.