TẠO DỰNG MÔI TRƯỜNG XANH BỀN VỮNG

Tạo dựng môi trường xanh bền vững
Double Down

KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG XANH BỀN VỮNG

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

GRI 305
Ngành kinh doanh phân bón chịu ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu đồng thời cũng tạo ra các tác động đến biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang làm tăng mức độ phức tạp của các các bệnh liên quan đến cây trồng, hoa màu và nông sản, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất cây trồng, độ phì nhiêu của đất và được quan tâm nhất hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như trong hoạt động nghiên cứu phát triển của Công ty.

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho doanh nghiệp, thể hiện qua hai loại rủi ro chính: rủi ro vật lý và rủi ro chuyển đổi. Rủi ro vật lý bao gồm các tác động trực tiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán, gây ra thiệt hại về tài sản và gián đoạn sản xuất. Trong khi đó, rủi ro chuyển đổi liên quan đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon, đòi hỏi doanh nghiệp phải đối mặt với các chính sách mới, công nghệ mới và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Để thích ứng và phát triển bền vững, PVCFC đã chủ động đánh giá rủi ro, xây dựng định hướng chiến lược PTBV và đầu tư vào các giải pháp bền vững. Trên cơ sở đó, Công ty xây dựng các chính sách, quy chế, quy trình về vận hành, SXKD, nghiên cứu phát triển để giảm tối đa tác động của quá trình sản xuất kinh doanh cũng như việc tiêu thụ sản phẩm tới việc biến đổi khí hậu. Các công tác đánh giá tác động môi trường được PVCFC chú trọng ngay từ giai đoạn đầu đưa Nhà máy Đạm Cà Mau vào hoạt động (năm 2011), triển khai thành lập các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến giảm phát thải, các giải pháp canh tác, sử dụng phân bón hiệu quả. Điều này được thể hiện thông qua các quy định đảm bảo tính tuân thủ và nhất quán được phổ biến đến từng cán bộ nhân viên PVCFC.

CHÍNH SÁCH ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Các nghiên cứu về phát thải khí nhà kính trên cây lúa và tăng cường các hoạt động R&D trong việc đối phó với biến đổi khí hậu:

Hiện nay, PVCFC đang tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Một số nghiên cứu cụ thể như:

  • Nhiệm vụ nghiên cứu hàng năm: Nghiên cứu về các giải pháp canh tác và dịch vụ nông nghiệp. Nhằm đưa ra một số bộ giáp pháp dinh dưỡng trên các loại cây trồng, đảm bảo năng suất, chất lượng và đồng thời giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sử dụng phân bón.
  • Tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”, đây là đề án quan trọng trong Chiến lược của quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày26- 07-2022.
  • Nghiên cứu áp dụng nguyên tắc bón phân “04 đúng” (4Rs) trong quản lý dinh dưỡng được khuyến cáo bởi IFA, bao gồm yêu cầu sử dụng đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng thời điểm, đúng cách/đúng kỹ thuật.
  • Tập trung nghiên cứu phát triển một số loại sản phẩm phân bón mới trong tương lai, tập trung vào mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính.
  • PVCFC cũng đang tập trung nghiên cứu tạo ra các dòng phân bón mới có khả năng thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu: các loại phân bón tiêu thụ nước ít hơn, các loại phân bón chịu đựng tốt hơn với các vùng đất bị ngập mặn hoặc bị phèn nặng…
  • Bên cạnh đó, PVCFC cũng đang tiếp tục phát triển, cải tiến các loại phân bón (Ure Bio, N46 Plus…) nhằm tăng cường tỷ lệ hấp thụ Nitơ, cải thiện môi trường đất, giảm lượng phân bón và qua đó sẽ giảm được lượng khí nhà kính thải vào môi trường do quá trình sử dụng phân bón.

BÁO CÁO PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

PVCFC luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về báo cáo phát thải khí nhà kính. Là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, PVCFC thực hiện báo cáo tuân thủ theo Nghị định Chính phủ số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Thông tư số 38/202/3 TT-BCT về việc đo đạc, báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công thương. Năm 2023, chúng tôi đã kiểm tra thu thập thông tin đánh giá theo hướng dẫn như sau:

Năm 2022, nhiên liệu đốt trực tiếp cho hệ thống công nghệ bao gồm nhiên liệu đốt cho nồi hơi phụ trợ, cụm reforming và hệ thống flare. Tổng lượng khí tiêu thụ năm 2023 (555,98 triệu Sm3/năm) tăng 3,42% so với năm 2022 (357,57 triệu Sm3/năm). Năng lượng tiêu hao khí năm 2023 là 35,494 GJ/Tấn NH3 giảm 4,3% so với tiêu hao khí năm 2022 (35,648 GJ/T.NH3). Điều này cho thấy các dự án, cải tiến cải tạo góp phần quan trọng cho việc giảm tiêu hao, giảm phát thải CO2. Hiện PVCFC chưa thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính CO2 đầy đủ theo các hướng dẫn của GHG Protocol nhưng việc xem xét các số liệu và thống kế đã được theo dõi và so sánh theo từng năm. Các cơ sở tính toán như sau:

Điện phát thải: theo công bố của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 31/12/2022,  hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam năm 2021 là 0,7221 tCO2/MWh.

Khí tự nhiên (1000 m3) theo IPCC: 2,114 tCO2/đơn vị.

Dầu DO (1000 lít) theo IPCC: 2,73 tCO2/đơn vị.

Xăng A92, A93 (1000 lít): 2,408 tCO2/đơn vị.

Hoạt động phát thải Đơn vị tính Năm 2022 Năm 2023 Ghi chú
A. Phát thải trực tiếp (1+2) Tấn CO₂/năm 381.662,650 393.389,360 Tăng 3,07%
1. Nhiên liệu đốt Tấn CO₂/năm 379.729,900 391.404,710 Tăng 3,07%
Khí tự nhiên Tấn CO₂/năm 340.928,500 352.603,310
Khí Permeate Tấn CO₂/năm 38.801,400 38.801,400
2. Nhiên liệu xe đưa đón Tấn CO₂/năm 1.932,750 1.984,650 Tăng 2,69%
Dầu DO Tấn CO₂/năm 409,910 872,500
Xăng A92, A95 Tấn CO₂/năm 1.522,840 1.112,150
B. Phát thải gián tiếp Tấn CO₂/năm 128.537,432 136.592,638 Tăng 6,27%
Điện tiêu thụ Tấn CO₂/năm 128.537,432 136.592,638
Tổng lượng phát thải (A+B) Tấn CO₂/năm 510.200,082 529.981,998 Tăng 3,88%
Cường độ phát thải Tấn CO₂/tấn SP 0,494 0,482 Giảm 2,47%

Theo tính toán hiện tại, năm 2023, tổng lượng phát thải tăng 3,88% do công suất nhà máy tăng 4% so với năm 2022. Tuy nhiên, cường độ phát thải/tấn sản phẩm sản xuất giảm 2,47% cho thấy hiệu quả của các cải tiến và giải pháp giải phát thải tại Nhà máy Đạm Cà Mau khi đưa vào áp dụng.

Đối với Nhà máy PPC, có 2 loại sản phẩm chính là Bao bì và Phân bón; trong đó phát thải trực tiếp từ nguồn nhiên liệu là Dầu DO sử dụng trong sản xuất Phân bón, còn phát thải gián tiếp từ nguồn điện tiêu thụ chủ yếu đến từ việc sản xuất Bao bì. Lượng phát thải trực tiếp năm 2023 giảm 50,02% là do sản lượng sản xuất Phân bón giảm nhiều so với năm 2022, ngược lại lượng phát thải gián tiếp tăng cho sản lượng sản xuất Bao bì tăng. Tổng lượng phát thải năm 2023 giảm 2,48% so với năm 2022 chủ yếu là do việc giảm sản lượng sản xuất Phân bón, cường độ phát thải/tấn sản phẩm thấp hơn 3,43% so với năm 2022, cụ thể như sau:

Hoạt động phát thải Đơn vị tính Năm 2022 Năm 2023 Ghi chú
A. Phát thải trực tiếp (1+2) Tấn CO₂/năm 406,94 203,38 Giảm 50,02%
1. Nhiên liệu đốt (Dầu DO) Tấn CO₂/năm 267,19 75,35
2. Nhiên liệu phương tiện/thiết bị (Dầu DO) Tấn CO₂/năm 139,75 128,03
B. Phát thải gián tiếp Tấn CO₂/năm 2.867,39 2.989,78 Tăng 4,27%
Điện tiêu thụ Tấn CO₂/năm 2.867,39 2.989,78
Tổng lượng phát thải (A+B) Tấn CO₂/năm 3.274,33 3.193,16 Giảm 2,48%
Cường độ phát thải Tấn CO₂/tấn SP 0,72 0,69 Giảm 3,43%

CÁC GIẢI PHÁP GIẢM TÁC ĐỘNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Song song với việc cải tiến kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả hoạt động sản xuất bằng cách giảm tiêu hao nguyên liệu sản xuất chính như khí, điện, nước, hoá chất; Qua đó, giảm cường độ phát thải trực tiếp (phạm vi 1) và một phần phát thải gián tiếp (phạm vi 2). Công ty cũng đã nghiên cứu để cho ra đời nhiều sản phẩm với tính năng vượt trội để tăng hiệu quả sử dụng như sản phẩm N46 plus, UreaBIO (phạm vi 3). Tuy nhiên, việc tính toán cường độ giảm phát thải theo phạm vi 3 vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể cả trong và ngoài nước. Công ty cũng đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu/đối tác để tiếp tục cải tiến và tìm ra lộ trình tính toán phát thải của các sản phẩm mới này.
TRONG NĂM 2023, PVCFC ĐÃ TRIỂN KHAI TRỒNG

300.000

Cây xanh

ĐÓNG GÓP VÀO CHƯƠNG TRÌNH 1 TRIỆU CÂY XANH DO CHÍNH PHỦ PHÁT ĐỘNG, HƯỚNG ĐẾN PHÁT THẢI RÒNG BẰNG “0” VÀO NĂM 2050.

Đồng thời, việc triển khai hiệu quả công tác chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính cũng được Công ty chú trọng. Năm 2023, PVCFC đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, nhằm phân công chỉ đạo rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng tổ, từng cá nhân và đưa ra kế hoạch thực hiện các dự án như: Hệ thống sản xuất CO2 thực phẩm tích hợp, các dự án thu hồi CO2 từ các nguồn như tách CO2 trong dòng fuel gas (chứa 8% CO2), thu hồi CO2 từ dòng khói lò reforming, năng lượng mặt trời áp mái khoảng 5 MWh tại Nhà máy Đạm Cà Mau, tăng công suất Nhà máy thêm 5% sử dụng Hydro xanh từ công nghệ điện phân,…

Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra kế hoạch ngắn và dài hạn theo từng mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023-2030, dự kiến 60 nghìn tấn CO2/năm , cụ thể như sau:

Giai đoạn Giải pháp Lượng CO₂ giảm (dự kiến)
Giai đoạn
2023-2030
1. Tiết giảm tiêu hao năng lượng theo công suất sản xuất, công suất sản xuất hiện tại là 115% 36 nghìn tấn CO₂/năm
2. Ứng dụng công nghệ ORC để phát điện từ các nguồn nhiệt thừa 1,5 nghìn tấn CO₂/năm
3. Lắp đặt hệ thống Membrane để tách và thu hồi CO₂ từ dòng nguyên liệu sản xuất 17 nghìn tấn CO₂/năm
4. Sử dụng điện năng lượng mặt trời sản xuất Hydro xanh bằng công nghệ điện phân 5,8 nghìn tấn CO₂/năm

Công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về việc xả thải ra môi trường. Tất cả các nguồn khí thải của Nhà máy đều được kiểm soát chặt chẽ về số lượng và chất lượng, đảm bảo luôn đạt quy định cho phép trước khi thải ra môi trường:

  • Các vị trí quan trắc khí thải: Ống khói reforming sơ cấp; Ống khói nồi hơi Phụ trợ; Ống khói tạo hạt với các thông số quan trắc: Bụi, CO, NOx, SO2, NH3, tiếng ồn, độ rung. Theo QCVN: 19/2009/BTNMT; 21/2009/BTNMT.
  • Kết quả quan trắc định kỳ năm 2023 tại tất cả các vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép. Ngoài thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, Công ty còn lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động, liên tục giám sát khí thải tại một số vị trí và thông số như sau: Khí thải tại ống khói tạo hạt: lưu lượng, áp suất, bụi, nhiệt độ và NH3; Khí thải tại ống khói Amoniac: nhiệt độ, lưu lượng, áp suất, bụi, NOx, SO2; Khí thải tại ống khói NPK: Nhiệt độ, áp suất, bụi.
  • Dữ liệu quan trắc tự động, liên tục được thu nhận với tần suất 5 phút/dữ liệu và được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Cà Mau.

ĐA DẠNG SINH HỌC

GRI 306
Việc lạm dụng phân bón hóa học, bón không cân đối, không đúng cách,  
bón quá nhiều trong thời gian dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, làm giảm sức khỏe nguồn đất, gây hại đến sinh vật có ích và sức khỏe con người.
PVCFC cam kết bảo vệ đa dạng sinh học thông qua những nhóm hoạt động sau:

Nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm phân vi sinh, phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng giúp cải thiện hệ vi sinh vật trong đất, chống xói mòn và làm giàu cho đất

  • Phân bón hữu cơ được sản xuất từ các chất hữu cơ như phân chuồng, bã đậu nành, lá cây và rác thải hữu cơ. Sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp giảm thiểu lượng phân bón hóa học cần sử dụng và giảm thiểu tác động đến môi trường nhờ tính thân thiện với môi trường, dễ phân hủy và giàu chất dinh dưỡng
  • Phân bón hữu cơ vi sinh chứa vi sinh vật có khả năng cố định đạm, phân giải lân, phân giải kali giúp đất giàu dinh dưỡng hơn.
  • Phân bón hữu cơ vi sinh chứa vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp các chất/yếu tố kích thích sinh trưởng cây trồng (ví dụ: IAA, ACC deminase, và Siderophore) hoặc có khả năng cộng sinh/nội sinh với cây trồng qua đó tăng cường khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Bên cạnh đó, triển khai các nghiên cứu về chế phẩm vi sinh sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ côn trùng, tuyến trùng và bệnh hại cây trồng như:

  • Chế phẩm vi sinh chứa các dòng vi khuẩn và vi nấm có khả năng phòng trừ tuyến trùng gây hại cho cây trồng.
  • Chế phẩm vi sinh chứa các dòng vi khuẩn và vi nấm có khả năng phòng trừ côn trùng gây hại cho cây trồng.
  • Chế phẩm vi sinh chứa các dòng vi khuẩn và vi nấm có khả năng phòng trừ bệnh hại từ vi khuẩn, vi nấm hoặc virus.

Dựa trên định hướng này, giai đoạn 2021-2025 bộ sản phẩm phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh gồm 4 công thức trong đó 1 công thức phân hữu cơ truyền thống, 1 công thức phân hữu cơ khoáng và 1 công thức phân hữu cơ vi sinh, 1 công thức phân hữu cơ sinh học đã được phát triển cụ thể như sau:

  • Nghiên cứu tiền khả thi một số chủng vi sinh ký sinh tuyến trùng phục vụ sản xuất phân Hữu cơ
    - Phân lập được 204 chủng vi khuẩn và đang tiến hành chọn lọc lại 4 chủng có hiệu quả. Giải trình tự 4 vùng gen của 4 chủng vi nấm phân lập được bằng phương pháp sinh học phân tử.
    - Khả năng sinh chất kích thích sinh trưởng IAA: Phân bón hữu cơ vi sinh chứa vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp các chất/yếu tố kích thích sinh trưởng cây trồng (ví dụ: IAA, ACC deminase, và Siderophore) hoặc có khả năng cộng sinh/nội sinh với cây trồng qua đó tăng cường khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
  • Phân lập và định danh vi khuẩn Rhizobia từ nốt sần ở rễ của cây đậu xanh (Vigna radiata L): Xác định 15 dòng vi khuẩn phân lập này có nhiều đặc tính hữu ích cho sự sinh trưởng – phát triển ở thực vật. Một số đặc tính nổi trội như khả năng cố định đạm, phân giải P, sản xuất IAA, Siderophore và khả năng chống chịu ở môi trường kim loại nặng. Ngoài nhóm vi khuẩn Rhizobia , 26 dòng vi khuẩn khác cũng được phân lập và định danh Các chủng Bacillus sp. được xem là những dòng có nhiều ứng dụng có lợi cho cây trồng. Trong nghiên cứu này, chủng Enterobacter sp. chiếm tỷ lệ cao trong các dòng phân lập và thể hiện nhiều đặc tính tốt như sinh trưởng ở khoảng pH và khoảng nhiệt độ rộng, nồng độ muối cao.

Thực hiện các nghiên cứu, quan trắc về chất lượng đất và nước của người nông dân trong quá trình sử dụng qua đó có các biện pháp đối phó thích hợp

  • Thực hiện phân tích đất trước mỗi thí nghiệm/khảo nghiệm/ĐGHQ để đưa ra công thức phân bón phù hợp giúp tiết kiệm phân bón cũng như đề xuất liều lượng phù hợp cho mỗi loại cây trồng cho từng vùng đất khác nhau.

Theo đuổi định hướng Nông nghiệp Tuần hoàn

Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là một mô hình kinh tế trong đó tối đa hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực và giảm thiểu chất thải thông qua việc tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và tái tạo sản phẩm và nguyên liệu. Khác biệt cơ bản so với mô hình nông nghiệp truyền thống “sản xuất, sử dụng và vứt bỏ”, Nông nghiệp tuần hoàn tập trung vào việc giữ cho nguồn lực ở trong một vòng lặp tuần hoàn, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho xã hội. Là một trong những Công ty sản xuất và kinh doanh phân bón lớn nhất tại Việt Nam, PVCFC tự hào là một phần quan trọng trong quy trình NNTH nhằm giúp đỡ người nông dân gia tăng năng suất, giảm chi phí đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. PVCFC tham gia vào chuỗi nông nghiệp tuần hoàn thông qua các hoạt động:

  • Nghiên cứu và hướng dẫn người nông dân sử dụng phân bón đúng, giảm phát thải: Bón phân đúng cách, đúng liều lượng mang lại những ảnh hưởng tích cực đến MT&XH như: giúp giảm ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và hạn chế ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
  • Nghiên cứu các dòng sản phẩm chức năng cải tạo đất, cân bằng dinh dưỡng, duy trì sức khỏe đất: Các dòng phân bón chức năng bổ sung các hoạt chất giúp tăng cường hấp thu, chậm phân giải phân bón, qua đó góp phần hạn chế phát thải ra môi trường. Bên cạnh đó giúp cho cây trồng được cung cấp đầy đủ dưỡng chất giúp cây phát triển tốt và đất không bị dư thừa chất dinh dưỡng (dư thừa dưỡng chất có thể gây ô nhiễm đất).

Sử dụng “phân bón đúng”

PVCFC luôn đi đầu trong việc nghiên cứu và hướng dẫn bón phân hợp lý theo nguyên tắc “5 đúng” (đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách) theo quy định tại Luật trồng trọt và các Nghị định liên quan:

  • Đúng loại đất, đúng loại cây: PVCFC đã nghiên cứu các dòng phân bón “chuyên dùng” cho từng loại cây trồng và từng loại đất để có khuyến cáo về cách sử dụng cho từng loại đất và cây trồng như: sản phẩm N.46. True giúp giảm đổ ngã trên lúa, tăng nhảy chồi, đẻ nhánh,… ; sản phẩm N46. Plus, N46. RICH, N46.C+, Urea Bio, … tăng hiệu quả sử dụng phân, giảm thất thoát phân N,…
  • Đúng liều lượng: PVCFC đã nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu các dòng phân bón phù hợp và giải pháp dinh dưỡng cho cây xoài, sầu riêng, bưởi, mít vùng sinh thái đất phèn Đồng Tháp Mười” với các kết quả khuyến cáo:
    - Xác định bộ sản phẩm gồm 10 loại phân bón NPK Cà Mau đáp ứng nhu cầu sinh trưởng phát triển của cây xoài, sầu riêng, bưởi, mít ở giai đoạn kinh doanh trên vùng đất phèn Đồng Tháp Mười
    - Từ bộ sản phẩm phân bón NPK Cà Mau, nhóm thực hiện đã hoàn thiện 4 quy trình sử dụng phân bón trên cây xoài, sầu riêng, bưởi, mít ở giai đoạn kinh doanh tại vùng đất phèn Đồng Tháp Mười
    - Tập huấn chuyển giao quy trình bón phân Cà Mau trên cây xoài, sầu riêng, bưởi và mít tại vùng đất phèn Đồng Tháp Mười cho các đối tượng là cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông và bà con nông dân áp dụng để đạt được năng suất ổn định và phẩm chất tốt
  • Đúng thời điểm: Nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cho cây lúa trên các nhóm đất chính vùng ĐBSCL” (năm 2018) => xác định nhu cầu phân theo từng giai đoạn sinh trưởng.
    - Đánh giá đáp ứng phân bón và xây dựng công thức bón phân trên các nhóm đất trồng lúa chính vùng ĐBSCL theo phương pháp “Quản lý dinh dưỡng theo địa điểm chuyên biệt
    - Theo kết quả thực hiện đề tài, bón phân theo SSNM giúp người nông dân gia tăng lợi nhuận bình quân cao hơn khoảng 10% so với công thức bón phân của nông dân địa phương
  • Đúng cách: VCFC đã thực hiện nhiệm vụ KHCN “Xây dựng bản đồ độ phì nhiêu đất và khuyến cáo phân bón cho lúa và cây ăn trái theo vùng sinh thái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” => mục đích xác định đúng chỗ để bón..
  • - Xây dựng bản đồ phân bố độ phì nhiêu đất theo vùng sinh thái cho các tỉnh ĐBSCL cho thấy có 246 đơn vị độ phì nhiêu được xác định trên cơ sở phân cấp các chỉ tiêu hóa học đất như pH, EC, Chất hữu cơ, CEC, hàm lượng N, P, K tổng số
    - Thống kê nhu cầu dinh dưỡng trong đất theo vùng sinh thái cho thấy đất canh tác lúa vùng ĐBSCL, đất canh tác cây ăn trái chủ lực ở ĐBSCL, tiểu vùng sinh thái Đồng Tháp Mười, tiểu vùng bán đảo Cà Mau và tiểu vùng phù sa Sông Tiền – Sông Hậu.
    - Theo kết quả của nhiệm vụ, xây dựng 65 công thức khuyến cáo phân bón cho lúa ở các vùng sinh thái khu vực ĐBSCL có thể được sử dung cho canh tác lúa ở vùng sinh thái phù sa nước ngọt với diện tích lớn nhất 1.567.472,78 ha phân bố rải rác 6 tiểu vùng sinh thái. Đồng thời, nghiên cứu cũng đã xây dựng được 57 công thức khuyến cáo phân bón phổ biến nhất cho các loại cây ăn trái chủ lực ở ĐBSCL như: bưởi, cam, nhãn, sầu riêng, xoài, thanh long.

Nghiên cứu về sức khỏe đất

Trong tất cả các nghiên cứu, PVCFC đã nêu rõ vấn đề thất thoát trong sử dụng phân bón đang có xu hướng gia tăng do nông dân bón vượt liều lượng khuyến cáo cũng như cách bón hiện nay là rải trên mặt ruộng nên phân bón bị trực di, rửa trôi, bốc hơi, thất thoát 40 – 50% đạm, 60% lân và 50% kali. Bên cạnh đó, đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn và suy thoái dinh dưỡng là các trở ngại lớn trong canh tác và đáp ứng nhu cầu dưỡng chất của nhiều đối tượng cây trồng vùng ĐBSCL. Vấn đề được đặt ra là cần phải xác định được hiện trạng độ phì của các nhóm đất chính trên nền tảng cơ sở dữ liệu đã và đang nghiên cứu tại vùng ĐBSCL, từ đó có thể đưa ra phương thức quản lý phù hợp và đề xuất được liều lượng bón phân thích hợp cho các đối tượng cây trồng trên từng nhóm đất, giúp giảm chi phí và tăng thu nhập cho người nông dân.

Theo nhu cầu và mục tiêu của công ty, PVCFC đã từng bước cho ra đời các dòng sản phẩm mới theo hướng thân thiện với môi trường vì một nền nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững thì việc nắm vững, cập nhật và quản lý được cơ sở dữ liệu về hiện trạng độ phì đất vùng ĐBSCL cũng như đưa ra được nhu cầu dinh dưỡng của các loại cây trồng chủ lực trong vùng là rất cần thiết cho định hướng và chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm của Công ty. Việc ứng dụng và cập nhật bản đồ hiện trạng các nhóm đất và cây trồng chính vùng ĐBSCL, tích hợp cơ sở dữ liệu đặc tính đất và nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng chính, xác định các khó khăn và trở ngại trên từng nhóm đất và cây trồng đã trở nên dễ dàng hơn.

Trên cơ sở đó PVCFC đã phối hợp với đơn vị Trường ĐHCT trong công tác xây dựng được bản đồ số về độ phì, khuyến cáo phân bón cho canh tác cây trồng ở ĐBSCL, tích hợp “big data” sẽ là những công cụ hỗ trợ hữu ích cho công tác nghiên cứu, phát triển và kinh doanh sản phẩm của công ty nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí lao động.

PVCFC phối hợp cùng các chuyên gia nông nghiệp tư vấn nông dân kỹ thuật canh tác hiệu quả.